Buổi phỏng vấn xin việc luôn là cột mốc quan trọng, đặc biệt với các bạn sinh viên mới ra trường hay những người đang tìm kiếm cơ hội mới. Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thì câu hỏi "Nam đi phỏng vấn mặc gì?" chắc hẳn cũng khiến không ít anh em băn khoăn.
Hiểu được điều đó, Coolmate đã tổng hợp lại cẩm nang chi tiết, giúp bạn chọn được bộ trang phục phỏng vấn nam vừa phù hợp, thoải mái, vừa ghi điểm ấn tượng đầu tiên, tự tin chinh phục công việc mơ ước!
Lý Do Cần Mặc Trang Phục Phù Hợp Khi Đi Phỏng Vấn
Trang phục chính là vũ khí quan trọng giúp bạn tạo ra ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Nó không chỉ đơn thuần là quần áo bạn mặc, mà còn ngầm nói lên sự chuyên nghiệp, mức độ tôn trọng của bạn dành cho công ty và vị trí ứng tuyển. Một bộ đồ chỉn chu cho thấy bạn thực sự nghiêm túc với cơ hội này.
Quan trọng hơn, khi bạn thấy mình trông ổn, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn rất nhiều, điều này cực kỳ quan trọng trong một buổi phỏng vấn xin việc căng thẳng.
Trang phục gọn gàng giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng
5 Nguyên Tắc Vàng Chọn Đồ Đi Phỏng Vấn Cho Nam Giới
Để không còn bối rối trước tủ đồ mỗi khi chuẩn bị đi phỏng vấn, hãy ghi nhớ 5 nguyên tắc cơ bản nhưng cực kỳ hiệu quả này nhé.
1. Chỉn Chu, Sạch Sẽ, Phẳng Phiu
Đây là yếu tố cơ bản nhất, là nền tảng của mọi sự chuyên nghiệp. Một bộ trang phục, dù đắt tiền đến mấy, cũng trở nên vô nghĩa nếu nó nhăn nhúm, lem luốc hay có mùi khó chịu. Điều này thể hiện sự cẩu thả và thiếu tôn trọng người đối diện.
-
Quần áo: Luôn đảm bảo áo sơ mi, quần tây được giặt sạch, không có vết bẩn và quan trọng nhất là được là (ủi) phẳng phiu.
-
Giày dép: Phải sạch sẽ, đánh bóng nếu là giày da.
-
Vệ sinh cá nhân: Tóc tai gọn gàng, móng tay cắt sạch sẽ, râu ria cạo nhẵn (nếu bạn không để râu theo phong cách). Đây cũng là một phần của sự chỉn chu.
Đảm bảo quần áo chỉn chu, gọn gàng
2. Vừa Vặn Là Chìa Khóa
Trang phục vừa vặn (fit) đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một bộ đồ đúng size sẽ giúp bạn trông gọn gàng, tôn dáng và chuyên nghiệp hơn. Mặc đồ quá rộng sẽ khiến bạn trông luộm thuộm, thiếu năng lượng, như đang "bơi" trong quần áo. Ngược lại, đồ quá chật không chỉ gây khó chịu, hạn chế vận động mà còn dễ làm lộ những khuyết điểm cơ thể không mong muốn.
Quan trọng nhất, trang phục vừa vặn mang lại sự thoải mái. Khi bạn thoải mái về thể chất, sự tự tin từ bên trong cũng sẽ được củng cố. Đây chính là yếu tố then chốt giúp bạn thể hiện tốt nhất trong buổi phỏng vấn.
3. Màu Sắc An Toàn, Trang Nhã
Khi đi phỏng vấn, an toàn và chuyên nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc lựa chọn màu sắc. Các gam màu trung tính chính là lựa chọn tối ưu nhất vì chúng dễ phối, tạo cảm giác lịch sự, đáng tin cậy và không gây xao nhãng cho người đối diện.
-
Nên chọn: Trắng, xanh dương nhạt (light blue), xám (các sắc độ từ nhạt đến đậm), đen, xanh navy (xanh tím than), be (kem). Đây là những màu sắc kinh điển, phù hợp với hầu hết môi trường công sở.
-
Nên tránh: Các màu quá sặc sỡ (đỏ tươi, cam, vàng chóe, xanh neon...), màu pastel hoặc các họa tiết lớn, rối mắt, mang tính chất giải trí (hoa lá cành, hình thù kỳ quặc...). Chúng có thể khiến bạn trông thiếu nghiêm túc và làm nhà tuyển dụng mất tập trung.
Nên chọn trang phục có gam màu trung tính
4. Chất Liệu Thông Minh: Thoải Mái Mà Vẫn Lịch Sự
Chất liệu vải ảnh hưởng rất lớn đến form dáng trang phục và cảm giác của người mặc. Đặc biệt khi đi phỏng vấn, bạn có thể cảm thấy hồi hộp, dễ đổ mồ hôi, hoặc thời tiết bên ngoài khá nóng bức. Vì vậy, chọn chất liệu thông minh sẽ giúp bạn luôn thoải mái và giữ được vẻ ngoài chỉn chu.
Các loại vải cotton, vải pha (polyester-cotton) là lựa chọn phổ biến vì đứng form và thấm hút tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu muốn nâng tầm trải nghiệm, bạn có thể tìm đến các chất liệu công nghệ mới. Đầu tư vào chất liệu tốt cũng là cách thể hiện sự tinh tế của bạn.
5. Phù Hợp Văn Hóa Công Ty & Vị Trí Ứng Tuyển
Đây là bước thể hiện sự tinh tế và chuẩn bị kỹ lưỡng của bạn. Không phải công ty nào cũng giống nhau, và trang phục bạn mặc nên phản ánh sự hiểu biết đó. Trước buổi phỏng vấn, hãy dành chút thời gian nghiên cứu về công ty:
-
Loại hình công ty: Một ngân hàng, công ty luật hay tập đoàn lớn thường yêu cầu trang phục rất trang trọng (formal). Trong khi đó, một công ty công nghệ, agency sáng tạo hay startup có thể có văn hóa ăn mặc thoải mái hơn (business casual hoặc smart casual).
-
Vị trí ứng tuyển: Trang phục cho vị trí quản lý cấp cao chắc chắn sẽ khác với vị trí thực tập sinh hay nhân viên mới ra trường.
-
Cách tìm hiểu: Lướt website công ty (xem ảnh đội ngũ, sự kiện), fanpage, LinkedIn, hoặc hỏi trực tiếp bộ phận nhân sự (HR) khi họ liên hệ mời phỏng vấn.
Việc chọn trang phục phù hợp với văn hóa công ty và vị trí ứng tuyển cho thấy bạn thực sự quan tâm, tôn trọng và có mong muốn hòa nhập với môi trường đó. Đừng ngại điều chỉnh outfit một chút để phù hợp hơn nhé.
Gợi Ý Trang Phục Đi Phỏng Vấn Cho Chàng
Sau khi nắm vững các nguyên tắc, hãy cùng Coolmate tham khảo những gợi ý outfit cụ thể, dễ áp dụng và phù hợp với nhiều hoàn cảnh phỏng vấn khác nhau nhé.
Áo Sơ Mi Phối Cùng Quần Tây/Âu
Đây là lựa chọn quốc dân, an toàn và phù hợp với hầu hết mọi buổi phỏng vấn, từ môi trường truyền thống đến hiện đại.
Với áo sơ mi, bạn nên ưu tiên áo sơ mi trắng hoặc xanh nhạt, kiểu cổ đức dài tay cơ bản. Quan trọng nhất là áo phải vừa vặn ở cổ, vai, tay và thân áo đủ gọn để sơ vin đẹp. Chọn quần tây/âu màu đen, xám đậm hoặc xanh navy với dáng slim-fit hoặc regular-fit. Chiều dài quần nên vừa chạm cổ giày khi đứng.
Để phối đồ, hãy sơ vin áo sơ mi gọn gàng, dùng thắt lưng da đơn giản đi cùng đôi giày tây (Oxford, Derby) sạch sẽ và mang tất tối màu (tốt nhất là cùng màu quần) là hoàn thiện set đồ.
Áo sơ mi mix cùng quân tây là outfit kinh điển, an toàn cho cuộc phỏng vấn
Bộ Suit/Vest Chỉn Chu
Suit (hay comple, vest) thể hiện sự chuyên nghiệp cao, thường phù hợp khi ứng tuyển các vị trí quản lý, cấp cao trong những ngành đòi hỏi sự trang trọng như tài chính, luật, ngân hàng, hoặc khi bạn muốn tạo ấn tượng về sự nghiêm túc và quyền lực.
Khi chọn suit, màu xanh navy và xám đậm là lựa chọn linh hoạt và chuyên nghiệp nhất, dễ phối hơn màu đen tuyền (thường dành cho dịp cực kỳ trang trọng). Yếu tố cốt lõi là bộ suit phải vừa vặn hoàn hảo: vai áo đứng dáng, eo có độ chiết nhẹ, tay áo dài đủ lộ khoảng 1-1.5cm cổ tay sơ mi, và quần dài chạm cổ giày tạo một đường gãy nhẹ (có thể cần sửa lại chút ít).
Hãy phối suit cùng áo sơ mi trắng hoặc xanh nhạt trơn, nên có cà vạt (màu trơn hoặc họa tiết nhỏ, tinh tế, biết cách thắt nút cơ bản), đi giày tây da (Oxford/Derby) hợp màu suit và thắt lưng, cùng với tất tối màu (lý tưởng là cùng màu quần).
Suit là biểu tượng của sự chuyên nghiệp
Áo Polo Mix Với Quần Kaki/Chinos
Phong cách Smart Casual với áo polo kết hợp cùng quần kaki hoặc chinos tạo vẻ ngoài trẻ trung, năng động mà vẫn đủ lịch sự. ây là lựa chọn lý tưởng cho môi trường công sở hiện đại như các công ty startup, công nghệ, lĩnh vực sáng tạo (media, marketing, design...) hoặc những nơi có văn hóa năng động.
Khi chọn áo polo, hãy ưu tiên các màu trơn, trung tính như đen, trắng, navy, xám, be với phần cổ cứng cáp, đứng dáng và chất liệu tốt. Đối với quần kaki hoặc chinos, các màu phổ biến là be, kem, xám, xanh navy, olive; nên chọn dáng slim-fit hoặc straight-fit vừa vặn, có độ dài chạm mắt cá hoặc phủ nhẹ cổ giày, tránh kiểu quá bó hay quá rộng.
Bạn có thể chọn sơ vin áo polo vào quần để tăng vẻ chỉn chu hoặc bỏ ngoài tùy thích. Phong cách này khá linh hoạt về giày, bạn có thể phối cùng giày lười (loafer), boat shoes, hoặc sneaker trắng cơ bản sạch sẽ. Nếu sơ vin, đừng quên sử dụng một chiếc thắt lưng (chất liệu da hoặc vải dù) có màu sắc hài hòa với giày và quần.
Trẻ trung năng động cùng áo polo và quần kaki/chinos
Áo Thun Basic Trơn Và Blazer
Kết hợp áo thun bên trong blazer cùng quần tây hoặc chinos là một lựa chọn phá cách, thể hiện phong cách "business casual" hiện đại, tự tin và có gu. Nó chỉ phù hợp nếu bạn ứng tuyển vào các ngành đặc thù như sáng tạo, thời trang, nghệ thuật, media, hoặc khi chắc chắn văn hóa công ty cực kỳ trẻ trung và thoải mái.
Để áp dụng phong cách này đúng cách, chiếc áo thun đóng vai trò then chốt: phải là áo basic trơn (trắng, đen, xám là an toàn nhất), cổ tròn hoặc tim đơn giản, chất liệu đẹp, dày dặn, không nhăn và tuyệt đối không có logo hay hình in. Phối cùng blazer tối màu (xanh navy, đen, xám) có kiểu dáng hiện đại, vừa vặn để nâng cấp sự lịch sự.
Khi chọn quần, quần phải là quần tây hoặc chinos chỉn chu, không dùng quần jeans rách hay jogger. Giày có thể linh hoạt từ loafer, sneaker trắng basic sạch sẽ đến giày tây tùy mức độ trang trọng mong muốn.
Phá cách hơn cùng áo thun basic trơn và blazer
Lưu Ý Khi Phối Cùng Phụ Kiện
Quần áo là chính, nhưng phụ kiện phù hợp sẽ giúp hoàn thiện vẻ ngoài chuyên nghiệp và tinh tế của bạn. Đừng xem nhẹ những chi tiết nhỏ này nhé.
Giày Dép
Người ta thường nói "nhìn giày biết người", và trong buổi phỏng vấn, một đôi giày phù hợp và sạch sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng. Lựa chọn hàng đầu và chuẩn mực nhất cho sự lịch sự chính là giày tây da. Trong đó:
-
Oxford: Kiểu giày kinh điển, trang trọng nhất, phù hợp khi mặc suit hoặc sơ mi + quần tây trong môi trường formal. Đặc điểm là phần dây buộc kín (closed lacing).
-
Derby: Ít trang trọng hơn Oxford một chút, phần dây buộc mở (open lacing) tạo cảm giác thoải mái hơn, linh hoạt phối với suit, sơ mi + quần tây, hoặc cả blazer + chinos.
-
Loafer (giày lười): Phù hợp với phong cách Smart Casual (Polo + Chinos, Blazer + Chinos), mang đến vẻ hiện đại, thoải mái nhưng vẫn lịch sự. Nên chọn loafer da trơn hoặc da lộn.
Về màu sắc, đen và nâu đậm là hai gam màu an toàn và dễ phối đồ nhất cho giày tây. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, vượt lên trên cả kiểu dáng hay màu sắc, đó là đôi giày của bạn phải luôn được giữ gìn sạch sẽ và đánh bóng cẩn thận (nếu là chất liệu da bóng).
Một đôi giày phù hợp và sạch sẽ là yếu tố không thể thiếu
Thắt Lưng
Thắt lưng không chỉ có tác dụng giữ quần mà còn đóng vai trò quan trọng như một điểm nhấn giúp kết nối tổng thể trang phục của bạn. Về chất liệu, bạn nên ưu tiên chọn da thật hoặc loại giả da có chất lượng tốt.
Quy tắc vàng khi chọn màu thắt lưng là phải cùng tông màu với giày bạn đi; ví dụ, giày màu đen nên đi cùng thắt lưng đen, còn giày màu nâu thì nên kết hợp với thắt lưng nâu.
Hãy chọn loại thắt lưng có bản rộng vừa phải, không quá to hay quá nhỏ, với kích thước khoảng 3-3.5cm là phổ biến và phù hợp cho quần tây hoặc quần chinos.
Cuối cùng, phần mặt khóa nên có thiết kế đơn giản, tối giản, thường làm bằng kim loại màu bạc hoặc vàng nhạt. Nên tránh những loại mặt khóa quá khổ, có logo thương hiệu quá nổi bật hay kiểu dáng hầm hố, cầu kỳ.
Tất/Vớ
Đừng bao giờ nghĩ rằng tất/vớ là phụ kiện không quan trọng. Khi bạn ngồi xuống phỏng vấn, ống quần kéo lên sẽ để lộ đôi tất, và nếu chọn sai, nó có thể phá hỏng cả bộ trang phục chỉn chu của bạn.
Về màu sắc, hãy luôn ưu tiên các gam màu tối như đen, xám đậm, hoặc xanh navy. Lý tưởng nhất là màu tất nên cùng tông với màu quần bạn đang mặc, điều này giúp tạo hiệu ứng chân dài và liền mạch hơn. Hoặc bạn cũng có thể chọn tất cùng màu với giày.
Độ dài của tất cũng rất quan trọng. Chúng phải đủ dài để che phủ hoàn toàn phần bắp chân của bạn, đảm bảo rằng không có phần da chân nào bị lộ ra, ngay cả khi bạn ngồi vắt chéo chân.
Tuyệt đối cần tránh đi tất trắng dùng trong thể thao. Bên cạnh đó, các loại tất có màu sắc quá sặc sỡ, họa tiết hoạt hình, hoặc tất cổ ngắn và tất "tàng hình" cũng hoàn toàn không phù hợp khi bạn đi giày tây trong buổi phỏng vấn.
Chọn tất tối màu cùng tông với màu quần
Đồng Hồ & Cà Vạt
Đây là những phụ kiện giúp tăng thêm vẻ lịch lãm, nhưng cần lựa chọn tinh tế.
-
Đồng hồ: Một chiếc đồng hồ đeo tay là phụ kiện gần như duy nhất nam giới nên đeo khi đi phỏng vấn. Chọn đồng hồ có thiết kế tối giản, mặt số classic, dây da (màu đen/nâu) hoặc dây kim loại lịch sự. Tránh đồng hồ thể thao hầm hố, đồng hồ điện tử quá màu mè hay smartwatch có mặt quá to.
-
Cà vạt (Tie): Chỉ thực sự cần thiết khi bạn mặc suit hoặc khi muốn nâng cao độ trang trọng cho outfit sơ mi + quần tây trong môi trường rất formal. Như đã đề cập ở phần suit, hãy chọn cà vạt màu trơn hoặc họa tiết tinh tế, thắt nút gọn gàng.
-
Trang sức khác: Hạn chế tối đa. Có thể đeo nhẫn cưới (nếu có), ngoài ra nên tránh các loại vòng tay, dây chuyền, khuyên tai (trừ khi đó là đặc thù công việc sáng tạo và bạn biết chắc công ty chấp nhận). Sự tối giản luôn an toàn hơn.
Đồng hồ và cà vạt là phụ kiện giúp tăng thêm vẻ lịch lãm
6 Lỗi Trang Phục Khiến Bạn Mất Điểm
Đôi khi, chỉ một lỗi nhỏ trong trang phục cũng có thể khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy tránh xa những sai lầm phổ biến sau:
- Quần áo nhàu, bẩn, có mùi: Đây là lỗi tối kỵ nhất, thể hiện sự cẩu thả, thiếu tôn trọng cơ bản và không chuẩn bị kỹ lưỡng. Luôn kiểm tra quần áo, giày dép trước khi ra khỏi nhà.
- Màu sắc quá sặc sỡ, họa tiết rối mắt/phản cảm: Gây mất tập trung, tạo cảm giác thiếu nghiêm túc, không phù hợp với môi trường chuyên nghiệp. Áo thun in slogan, hình ảnh gây tranh cãi cũng thuộc nhóm này.
- Mặc đồ không phù hợp hoàn cảnh (đồ đi chơi, đồ thể thao): Mặc áo ba lỗ, quần short, quần jogger, dép lê... đi phỏng vấn cho thấy bạn hoàn toàn không hiểu tính chất công việc và môi trường công sở.
- Quần jeans rách, mài, wash bạc màu: Dù là jeans đen trơn thì cũng cần cân nhắc kỹ, còn các loại jeans có chi tiết rách, mài, tẩy trắng... thì tuyệt đối không nên mặc đi phỏng vấn vì quá xuề xòa, bụi bặm.
- Phụ kiện rườm rà, không cần thiết: Đeo quá nhiều trang sức, thắt lưng mặt khóa quá to, cà vạt họa tiết kỳ quặc... gây rối mắt và làm giảm sự tinh tế, chuyên nghiệp.
- Giày dép không phù hợp hoặc bẩn: Đi giày thể thao cũ/bẩn, sandal, dép... với trang phục lịch sự sẽ phá hỏng toàn bộ tổng thể chỉn chu của bạn.
Tránh mắc các lỗi trang phục để có vẻ ngoài chỉn chu nhất
Tips Giúp Bạn Tỏa Sáng Trong Buổi Phỏng Vấn
Trang phục chỉ là một phần, phong thái và sự chuẩn bị tổng thể mới là yếu tố quyết định. Đừng quên những điều nhỏ này nhé:
-
Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng: Tắm rửa sạch sẽ, cắt tóc gọn gàng, cạo râu (hoặc tỉa râu gọn nếu để), cắt móng tay sạch. Hơi thở thơm tho cũng rất quan trọng.
-
Nước hoa: Nếu dùng, hãy chọn loại có mùi hương rất nhẹ nhàng, thanh lịch. Xịt một lượng vừa đủ, tránh làm người đối diện khó chịu. An toàn nhất là không dùng nếu bạn không chắc chắn.
Chọn nước hoa có mùi hương nhẹ nhàng, thanh lịch
-
Chuẩn bị từ tối hôm trước: Chọn sẵn trang phục, là ủi phẳng phiu, chuẩn bị giày dép, phụ kiện. Việc này giúp bạn tránh cập rập vào sáng hôm sau.
-
Phong thái tự tin: Trang phục đẹp giúp bạn tự tin hơn, nhưng chính thần thái, ánh mắt, nụ cười và cách giao tiếp mới thực sự chinh phục nhà tuyển dụng. Hãy chuẩn bị kỹ nội dung, luyện tập trả lời câu hỏi và giữ tâm lý thoải mái nhất có thể.
Lời Kết
Vậy là chúng ta đã cùng nhau đi qua những nguyên tắc, gợi ý outfit và các lưu ý quan trọng để chọn trang phục phỏng vấn nam phù hợp nhất. Hy vọng cẩm nang này từ Coolmate sẽ giúp bạn không còn băn khoăn "Nam đi phỏng vấn mặc gì?" nữa.
Hãy nhớ rằng, trang phục chỉn chu, phù hợp chính là bước đệm vững chắc, giúp bạn xây dựng sự tự tin từ bên trong và thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng và thái độ của bạn.
Và đừng quên đọc thêm các bài viết hữu ích khác trên Coolblog để cập nhật xu hướng và mẹo phối đồ nhé!