Nếu cotton là “vua” của các loại vải có nguồn gốc từ thiên nhiên, thì khi nhắc tới chất liệu tổng hợp từ sợi nhân tạo người ta nghĩ ngay tới vải polyester. Hiện nay, polyester là loại vải tổng hợp phổ biến được sử dụng nhiều nhất bởi tính ứng dụng cao. Trong bài này, Coolmate sẽ giúp bạn hiểu thêm về chất liệu này xem có gì thú vị nhé.
1. Tìm hiểu về vải Polyester
1.1 Polyester là gì?
Polyester là một loại sợi tổng hợp với chất cấu thành đặc trưng là ethylene có nguồn gốc từ dầu mỏ (petroleum). Nó được hình thành từ phản ứng hóa học giữa axit và rượu khi hai hay nhiều phân tử kết hợp với nhau để tạo ra một phân tử lớn, mạnh và ổn định.
Thực ra, Polyester cũng là một loại nhựa được sản xuất nhiều thứ 3 với thị phần 18%, chỉ sau polypropylene (20%) và polyethylene (33%). Các polyester tự nhiên thường có thể phân hủy sinh học, nhưng hầu hết các polyester tổng hợp thì không. Và chất liệu này được sử dụng nhiều trong may mặc thời trang. Từ đây, có thuật ngữ “vải polyester” dùng để gọi "loại vải được làm bằng sợi polyester".
1.2 Vải Polyester được sản xuất ở đâu?
Theo một nghiên cứu vào năm 2006, Trung Quốc là nhà sản xuất sợi polyester lớn nhất. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường polyester lớn nhất thế giới, giúp quốc gia này trở thành trung tâm ngành công nghiệp polyester quốc tế. Ngoài Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia cũng là những nhà sản xuất polyester hàng đầu.
Bản đồ sản xuất vải Polyester trên thế giới (Nguồn: Sewport)
Bởi vì sợi polyester được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc và các nước Châu Á, nên chúng phần lớn được giữ lại để làm thành quần áo và các mặt hàng tiêu dùng khác. Từ đó, những bộ quần áo vải polyester thành phẩm được xuất khẩu sang nhiều quốc gia ở phương Tây và những nơi khác trên thế giới.
1.3 Phân loại vải Polyester
Theo Wikipedia, hiện nay, vải Polyester có 3 loại chính:
- Ethylene Polyester hay còn gọi là PET, là loại polyester phổ biến nhất trên thị trường. Đặc tính của PET là rất bền và linh hoạt.
- Polyester dựa trên thực vật: Ưu điểm chính của loại vải này là có thể phân hủy sinh học. Tuy nhiên, polyester có nguồn gốc từ thực vật sẽ tốn nhiều chi phí sản xuất hơn và có thể kém bền hơn so với các sản phẩm dệt tương đương PET hay PCDT.
- Polyester PCDT: Dù không phổ biến như polyester PET nhưng nó lại có tính đàn hồi cao hơn và bền hơn. Vậy nên, loại vải này được ưa chuộng cho các ứng dụng nặng như rèm cửa, vải bọc, …
1.4 Cách nhận biết vải Polyester
Tương tự như cotton, vải Polyester cũng có 3 cách để phân biệt:
- Sử dụng giác quan: Bề mặt vải polyester trơn bóng, mượt và không có sợi bông xù lên như vải cotton. Khi sờ vào cảm thấy mềm mịn và mát tay, sợi vải có độ đàn hồi và độ bền tốt. Sau khi vò hoặc gấp, nếu trở lại hình dáng ban đầu chính là polyester.
- Sử dụng nước: Vải polyester có đặc điểm là không thấm nước. Nên khi đổ nước lên mặt vải mà thấy nó không bị thấm và xuất hiện từng giọt li ti hay giọt nước lớn thì đó là vải PE.
- Đốt vải: Lấy một mẩu vải nhỏ và đốt, nếu thấy mùi khét như mùi nhừa thì đó là polyester.
2. Sự ra đời của vải Polyester
Năm 1926, nhà khoa học người Mỹ - Wallace Carothers lần đầu phát hiện ra rằng rượu và axit carboxyl có thể được trộn lẫn tạo ra sợi tổng hợp. Nhưng không may, công việc của ông về polyester bị tạm hoãn để tập trung cho nylon.
Nhà khoa học Wallace Carothers - Một trong những người góp phần tạo ra Polyester
Cho đến năm 1939, các nhà khoa học người Anh là John Winfield và James Dickon mới tiếp tục nghiên cứu của Carothers. Hai năm sau, họ được cấp bằng sáng chế polyethylene terephthalate (PET hoặc PETE), chất này tạo cơ sở cho các loại sợi tổng hợp như Dacron và Terylene. Cũng vào năm đó, với sự trợ giúp của W.K. Birtwhistle và C.G. Ritchie, Winfield và Dickson đã tạo ra sợi polyester đầu tiên - Terylene - thuộc nhà sản xuất Imperial Chemical Industries (ICI).
Thử nghiệm "Terylene" tại phòng thí nghiệm Imperial Chemicial Industries ICI (Nguồn: MAAS Collection)
Năm 1946, tập đoàn Dupont (Hoa Kỳ) mua lại tất cả các quyền hợp pháp từ ICI và họ sản xuất sợi polyester Dacron vào năm 1950 và sợi Mylar vào năm 1952.
Polyester lần đầu được ra mắt trước công chúng năm 1951 như một loại vải “thần kỳ” có thể mặc, kéo và giặt mà không bị nhăn hoặc có dấu hiệu nhão. Vào năm 1958, Eastman Chemical Products, Inc phát triển sợi polyester, Kodel.
Sợi polyester Kodel được phát triển bởi Eastman Chemical Products (Nguồn: SlidePlayer)
Năm 1970, công ty hóa chất của Anh Impercial Chemical Industries cho ra mắt loại sợi PBT (Poly butylenes terephthalate). Đây là loại sợi có độ co giãn và đàn hồi sau khi kéo 20% lên tới 88%, cao nhất trong các loại lúc bấy giờ, kể cả PTT được giới thiệu sau đó.
PTT (Poly trimethylene terephthalate) được Dupont thương mại hóa và đưa ra thị trường năm 1980, là loại vải có độ mềm mại tối đa (2/2). Sau đó, PTT trở thành loại sợi phổ biến nhất để sản xuất vải polyester.
3. Sợi Polyester được sản xuất như thế nào?
3.1 Esterification (Ester hóa)
Phản ứng hóa học của alcohol (rượu) với axit để tạo ra ester và nước.
3.2 Polymerization (Sự trùng hợp)
Phản ứng trùng ngưng xảy ra khi các axit và alcohol phản ứng trong chân không ở nhiệt độ cao. Vật liệu polyme hóa được loại bỏ dưới dải băng trên máng đúc hoặc bánh xe làm mát. Sau khi dải ruy băng cứng lại, nó được cắt thành các mảnh vụn.
3.3 Spinning (Kéo sợi)
Quá trình Spinning (Nguồn: Salud Yarn)
Theo tốc độ kéo sợi, quy trình này có thể được chia thành: quy trình kéo sợi thông thường (conventional), quy trình kéo sợi tốc độ trung bình (medium-speed), quy trình kéo sợi tốc độ cao (high-speed) và quy trình kéo sợi siêu tốc độ (ultra-high-speed).
Người ta thường sử dụng quy trình tốc độ cao (high-speed) để minh họa cho quá trình kéo sợi. Tốc độ kéo có thể lên tới 3000 – 3600 m/phút, và sản phẩm sau quá trình này là sợi được định hướng trước (pre-oriented yarn – POY).
Nguyên tắc của quá trình spinning là nạp các phoi polyester vào các phễu chứa phoi, sau đó nấu chảy chúng và đảm bảo rằng chất nóng chảy chảy ổn định trong máy đùn trục vít (screw extruder).
Trong máy đùn trục vít, chất tan chảy được lọc và ép vào trục quay tạo ra chất lỏng và sau đó nhanh chóng ngưng tụ bằng không khí lạnh để thành sợi kéo đông đặc.
Trong quá trình này, sự kéo căng trước (pre-stretching) cũng được tạo ra do chức năng của bộ phận dẫn sợi và nó làm cho sợi mỏng đi. Sợi sơ khai được quấn thành cuộn có hình dạng nhất định bằng hệ thống quấn.
3.4 Post-processing (Xử lý sau)
Quá trình xử lý sau giúp cho sợi sơ khai phù hợp với sản xuất dệt may. Quá trình này có thể được chia thành 5 bước sau: POY đến DTY; twisting, hanking, dyeing và winding (Polyester DTY thành polyester nhuộm).
POY đến DTY
Kết hợp quá trình kéo và xoắn trên cùng một máy, sợi được tạo ra gọi là sợi kết cấu kéo (draw texturing yarn – DTY).
Twisting (Xoắn)
Twisting là việc kết hợp hai hoặc một số sợi đơn lại với nhau và xoắn chúng qua máy để tạo ra các sợi đàn hồi, chắc chắn, với độ dày đồng đều, bề mặt nhẵn và chống mài mòn để đáp ứng cho quá trình tiếp theo. Công nhân sẽ đặt chức năng twist theo yêu cầu của khách hàng, quấn một đầu DTY trên máy và máy sẽ vận hành quá trình vặn xoắn.
Hanking (Vò sợi)
Mục đích của hanking là để nới lỏng sợi xoắn để thuộc nhuộm có thể thấm vào sợi hoàn toàn trong quá trình nhuộm. Công nhân sẽ đặt sản phẩm đã được xoắn (twist) bên cạnh máy, và bật máy lên. Trong quá trình này, họ sẽ thêm lượng nước thích hợp để siết sợi lại một chút. Sau khi vò, sản phẩm trở thành “sợi bánh mỳ”. Tiếp theo, chúng sẽ được đóng bao và vận chuyển đến xưởng nhuộm.
Dyeing (Nhuộm)
Trước khi nhuộm hàng loạt, nhân viên pha màu chuyên nghiệp sẽ chuẩn bị công thức màu theo mẫu của khách hàng và nhuộm với máy nhuộm. Sau khi so sánh mẫu đã nhuộm với mẫu của khách dưới môi trường chiếu sáng quy định và xác nhận không có sự khác biệt về màu sắc, nhân viên sẽ tiến hành nhuộm hàng loạt.
Winding (Cuộn)
Winding là công đoạn cuối cùng trong quá trình xử lý sợi sau. Nhiệm vụ là để xử lý sợi hank thành sợi nón và đây là sản phẩm mà khách hàng có thể trực tiếp sử dụng để sản xuất các sản phẩm dệt.
Trước khi cuộn, công nhân sẽ đặt “sợi bánh mỳ” đã nhuộm ở nơi thoáng mát và hong khô bằng gió. Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Sau đó, họ sẽ đặt chúng lên giá, dàn đều và cắt bỏ phần sợi bề mặt đã tiếp xúc với không khí lâu ngày. Khi tất cả đã xong, người thợ sẽ đặt lên máy và bật máy để cuộn dây.
4. Thuộc tính của vải Polyester
4.1 Ưu điểm
Dễ nhuộm màu và độ bền màu cao
Nhuộm màu là một trong những công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất thời trang bởi nó ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của sản phẩm. Vải polyester có khả năng nhuộm màu ấn tượng, màu sắc lên đậm và rõ nét, chuẩn màu mang lại chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Không những thế, loại vải này giữ màu tốt nên trong quá trình giặt, bạn không cần lo lắng về việc vải bị phai màu và ngấm vào các loại quần áo khác.
Không nhăn
Có lẽ, khả năng chống nhăn là đặc tính nổi bật nhất của vải polyester. Nếu bạn đã và đang sử dụng quần áo vải polyester, bạn sẽ nhận thấy điều này. Suốt quá trình sử dụng, dù có giặt nhiều lần trong thời gian dài, việc vải bị nhăn hoặc biến dạng rất hiếm khi xảy ra. Chính vì thế, bạn có thể sử dụng chúng lâu ngày mà không lo vải bị co giãn và mất form dáng.
Nói “không” với chất bẩn và dễ dàng chăm sóc
Vải Polyester có bề mặt sáng bóng và khả năng hấp thụ kém, điều này giúp polyester có khả năng chống bám bẩn rất tốt. Ngoài ra, polyester là chất liệu “dễ tính” nhất trong thế giới vải hiện nay. Loại vải này có thể giặt bằng máy hoặc có thể giặt khô và khả năng chống nhăn tốt nên bạn có thể mặc cả ngày mà không bị nhăn nhúm.
Khả năng chống nước tốt
Vì đặc tính của Polyester là hút ẩm kém nên nó được dùng làm những vật dụng cần khả năng chống nước như túi ngủ, áo khoác, lều bạt, … Dễ dàng sản xuất hay sơn phủ màu mà không lo bị phai màu theo thời gian cũng là ưu điểm giúp polyeter được sử dụng nhiều.
Tính linh hoạt
Vải polyester có thể pha trộn được với nhiều loại vải khác. Một trong những sự kết hợp nổi tiếng nhất trên thị trường là polycotton (polyester và cotton) được sử dụng cho sản xuất áo thun. Bên cạnh đó, polyester-spandex cũng thường xuất hiện trong các sản phẩm quần áo thể thao như đồ tập gym, quần tập yoga, …
Tính linh hoạt của polyester còn thể hiện qua sự đa dạng về màu sắc với đặc điểm dễ nhuộm màu.
Sự kết hợp hoàn hảo của polyester và cotton
Nhanh khô
Polyester là loại vải có khả năng khô rất nhanh. Bởi vì đặc điểm của loại vải này là hút ẩm kém và chống nước tốt. Bạn chỉ cần phơi ngoài trời hoặc nơi thoáng mát thì sau 2-3 tiếng, quấn áo đã khô rồi.
Giá thành rẻ
Sợi polyester có thể được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn và quy trình không quá phức tạp. Hầu hết các loại vải đều phải qua bước xử lý cán đặc biệt để chống thấm nước. Vải polyester có khả năng chống nước tự nhiên, điều này có nghĩa là các nhà sản xuất không phải áp dụng phương pháp xử lý cán mỏng tốn kém. Vì vậy, các sản phẩm từ chất liệu này có giá cả vừa phải phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Chi phí sản xuất polyester cũng thấp hơn so với sản xuất cotton (bông) hoặc len. Một số người chỉ ra sự khác biệt về chất lượng giữa in trên polyester và in trên cotton. Nhưng thực ra không quá khác nhau, với polyester, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những bộ quần áo in rất rẻ.
Một số đặc điểm nổi trội khác
Không dừng lại ở những đặc điểm ưu việt trên, vải polyester còn có một số điểm “đáng khen” như:
- Có tính cách nhiệt cao
- Chống tia UV/ánh sáng
- Độ đàn hồi tốt
- Chống nấm mốc
4.2 Nhược điểm
Không thấm hút nước và mồ hôi
Khả năng chống nước tốt vừa là ưu điểm cũng như nhược điểm của vải polyester. Trong thời tiết nóng ẩm hay ẩm ướt (đặc trưng của khí hậu Việt Nam), polyester thường bám vào da và gây ra cảm giác không thoải mái. Polycotton chính là giải pháp “cứu cánh” tốt nhất khi kết hợp khả năng chống thấm của polyeter và sự thoáng khí của cotton. Điều này làm giảm độ dính của 100% polyester và độ ẩm của 100% cotton.
Không thoáng khí, dễ gây mùi
Đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà nhiều người hay nói về vải polyester. Về bản chất, sợi polyester là chất dẻo, không tạo điều kiện cho luồng không khí lưu thông. Vì vậy, vải polyester 100% sẽ gây bí bức và khó chịu cho người mặc. Để khắc phục tình trạng này, các nhà sản xuất thường kết hợp polyester với cotton tạo thành loại vải chúng ta thấy hiện nay là polycotton.
Ảnh hưởng đến môi trường
Quá trình sản xuất polyester tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Hơn hết, bất kỳ sản phẩm nào làm từ nhiên liệu hóa thạch đều không bền vững.
Polyester cũng không phân hủy sinh học trừ polyester dựa trên thực vật nhưng chi phí rất cao. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng vải polyester sẽ không bị suy giảm chất lượng thậm chí trong khoảng thời gian 50 năm.
Dễ bắt lửa
Vải polyester 100% sẽ tan chảy trong điều kiện nhiệt độ cao. Nếu polyester tan ra trên người bạn sẽ gây ra thương tích nghiêm trọng. Vì vậy, chúng ta thường không thấy vải polester 100% mà hầu như đều được pha trộn với những loại vải khác như cotton, spandex, …
5. Ứng dụng của vải Polyester
Vải Polyester được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày của mọi người:
- May vải chống thấm nước như quần áo mưa, ô dù, lều bạt, …
- Vải polyester được sử dụng trong phần lớn mọi loại trang phục quần áo, chăn gối, vải bọc sofa, …
- Polyester có thể được dùng làm lớp cách nhiệt trong gối đệm hay chăn bông bằng cách sản xuất sợi rỗng.
Ngoài ra, sợi polyester thường được pha trộn với các loại sợi tự nhiên như cotton, modal, … để gia tăng độ bền cho chất liệu, giúp vải ít bị nhăn, lên chuẩn màu và dễ “chăm sóc”.
Quần áo thể thao
Ứng dụng phổ biến nhất của vải polyester là sản xuất quần áo thể thao. Thông thường, quần áo thể thao có chất liệu tuyệt vời nhất là vải tổng hợp từ polyester và cotton. Mặc dù là loại vải có sự đàn hồi và độ bền cao nhưng khả năng thấm hút mồ hôi của polyester lại không tốt. Điều này sẽ khiến cơ thể bạn bị bí bách, thiếu cảm giác thoải mái.
Ưu điểm của polyester là khả năng co giãn, đàn hồi tốt kết hợp với khả năng thấm hút mà mềm mại tạo nên chất liệu hoàn hảo. Những sản phẩm quần áo thể thao được làm từ polyester pha với cotton đem tới cho người mặc sự dễ chịu, thoáng khí khi vận động.
Quần áo thể thao Coolmate
Nhận ra những đặc điểm nổi trội của vải polyester, Coolmate đã cho ra mắt rất nhiều sản phẩm quần áo thể thao với chất liệu maxcool, quickdry, … với mục đích đem tới cho khách hàng sự thoải mái, dễ chịu mà vẫn lịch sự trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
6. Cách giặt và bảo quản vải Polyester
Được biết đến là một trong những loại vải “dễ tính” nhất trên thị trường hiện nay nên cách giặt và bảo quản vải polyester cũng khá đơn giản. Quần áo hay chăn ga từ vải polyester dễ giặt sạch vì chúng ít bám bẩm, không bị co giãn, khô nhanh hay không mất form dáng sau khi giặt. Loại vải này ít nhăn nên bạn không cần ủi quá nhiều. Nếu cần thiết thì chỉ ủi ở nhiệt độ thấp bởi nhiệt độ cao sẽ khiến vải bị co và khó có thể phẳng lại được.
Lời kết,
Trên đây là tất tần tật về vải polyester mà Coolmate đã tổng hợp và chia sẻ với bạn. Mong rằng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn lựa chọn chất liệu polyester tốt nhất cho trang phục hay ứng dụng cho đời sống hàng ngày.