Khi nhắc đến Denim hay Jeans, hình ảnh những chiếc quần, áo khoác 'vải bò' quen thuộc chắc hẳn hiện lên trong tâm trí nhiều người. Đây cũng là cách gọi thông dụng của người Việt Nam, thường dùng chung cho cả chất liệu vải lẫn kiểu dáng trang phục mà ít khi phân biệt rạch ròi. Vậy trên thực tế, bạn có tự tin mình phân biệt được chính xác Denim và Jeans khác nhau như thế nào không?
Hãy cùng Coolmate đi tìm câu trả lời, bóc tách rõ ràng Denim, Jeans là gì và mối liên hệ thú vị giữa chúng ngay trong bài viết này nhé!
Denim là gì?
Denim là tên của một loại vải thô, bền, thường được dệt từ 100% sợi cotton theo kiểu dệt chéo. Denim là vải, là chất liệu, không phải là một loại trang phục cụ thể như quần hay áo.
Vậy kiểu dệt chéo là gì? Hãy tưởng tượng các sợi chỉ ngang (weft) được luồn khéo léo bên dưới ít nhất hai sợi chỉ dọc. Cách dệt này tạo ra những đường gân chéo đặc trưng mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trên bề mặt vải. Chính cấu trúc dệt dày dặn này góp phần tạo nên độ bền bỉ vượt trội cho Denim.
Ảnh cận cảnh bề mặt vải Denim
Về chất liệu, cotton là thành phần chính của Denim, mang đến cảm giác chắc chắn, thoáng khí tự nhiên và độ bền cao.
Màu sắc xanh chàm (indigo dye) kinh điển của Denim cũng có câu chuyện riêng. Thông thường, chỉ có sợi dọc được nhuộm màu chàm, trong khi sợi ngang giữ nguyên màu trắng hoặc màu tự nhiên của cotton. Khi dệt lại với nhau theo kiểu dệt chéo, mặt ngoài của vải sẽ hiện lên màu xanh đặc trưng, còn mặt trong thường có màu sáng hơn.
Jeans là gì?
Sau khi hiểu Denim là vải, giờ chúng ta sẽ làm rõ về Jeans. Jeans là tên gọi một loại quần (thường là quần dài), được may chủ yếu từ vải Denim. Khác với Denim là chất liệu, Jeans là tên gọi của một loại trang phục cụ thể.
Để dễ hình dung hơn, bạn hãy nghĩ về mối quan hệ giữa "vải cotton" và "áo thun". Cotton là chất liệu, còn áo thun là một kiểu áo được làm từ cotton (hoặc pha trộn). Tương tự, Denim là chất liệu may mặc, còn Jeans (hay quần bò theo cách gọi dân dã ở Việt Nam) là một kiểu quần được làm từ vải Denim.
Vì vậy, gần như mọi chiếc quần Jeans bạn sở hữu hoặc nhìn thấy đều được tạo ra từ vải Denim (hoặc các biến thể có pha sợi co giãn). Quần Jeans đã trở thành một item thời trang kinh điển, một sản phẩm không thể thiếu trong tủ đồ của mọi người, từ nam đến nữ, từ trẻ đến già, phù hợp với vô vàn hoàn cảnh từ đi học, đi làm đến đi chơi.
Quần jeans là item thời trang kinh điển với nhiều kiểu dáng khác nhau
So sánh Denim và Jeans
Dưới đây là tổng hợp lại những điểm khác biệt chủ yếu giữa Denim và Jeans để tránh nhầm lẫn:
Tiêu chí |
Denim |
Jeans |
Bản chất |
Là VẢI (fabric) - một loại chất liệu dệt thoi. |
Là QUẦN (pants/trousers) - một loại trang phục cụ thể được may từ vải. |
Mối quan hệ |
Là NGUYÊN LIỆU (material/raw material) - dùng để sản xuất ra các sản phẩm. |
Là một loại THÀNH PHẨM (product) - cụ thể là quần, được tạo ra từ nguyên liệu Denim. |
Nguồn gốc tên gọi |
Từ "Serge de Nîmes" (Nîmes, Pháp - chỉ vải) |
Ban đầu liên quan đến Genoa, Ý (vải); phổ biến với quần Levi's (Mỹ) |
Phạm vi ứng dụng |
Rất rộng và đa dạng: Dùng để may nhiều loại trang phục (áo khoác, sơ mi, váy, yếm, quần short...) và phụ kiện (túi xách, mũ, giày...). |
Hẹp (Chỉ dùng để gọi loại quần làm từ Denim) |
Tại sao chúng ta hay nhầm lẫn Denim và Jeans?
Vậy tại sao sự hiểu lầm phổ biến này lại xảy ra? Có một vài lý do khá dễ hiểu.
Thứ nhất, quần Jeans là sản phẩm thành công vang dội và mang tính biểu tượng nhất được làm từ vải Denim. Nó quá phổ biến và gắn liền với hình ảnh của loại vải này đến mức trong giao tiếp hàng ngày, mọi người quen dùng luôn từ "denim" để chỉ "quần jeans" cho tiện.
Thứ hai, đây là thói quen gọi tên khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác, giống như ở Việt Nam mình hay gọi chung xe máy là "Honda", hay gọi mì ăn liền là "Hảo Hảo". Việc dùng tên chất liệu (Denim) để gọi tên sản phẩm đặc trưng nhất làm từ nó (quần bò/Jeans) cũng tương tự như vậy.
Khám phá nhanh đặc tính của vải Denim
Hiểu thêm về đặc tính của vải Denim cũng giúp bạn hình dung rõ hơn về nó.
Ưu điểm
Sở dĩ Denim trở thành một chất liệu kinh điển và không thể thiếu là bởi những đặc tính ưu việt sau:
-
Bền bỉ vượt trội: Đây là điểm cộng lớn nhất. Nhờ cấu trúc dệt chéo dày dặn từ sợi cotton, vải Denim rất bền, chịu mài mòn tốt, giúp quần áo sử dụng được lâu dài.
-
Giữ form dáng tốt: So với nhiều loại vải khác, Denim ít bị bai dão, giữ được phom dáng ban đầu sau nhiều lần sử dụng và giặt giũ.
-
Phong cách cá tính, không lỗi mốt: Vẻ ngoài khỏe khoắn, có chút "bụi bặm" đặc trưng của Denim mang đến nét cá tính và không bao giờ lỗi thời cho người mặc.
-
Dễ bảo quản tương đối: Không yêu cầu giặt ủi quá thường xuyên hay cầu kỳ như một số chất liệu khác.
Vải Denim có sự bền bỉ vượt trội
Hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, vải Denim cũng tồn tại một số hạn chế nhất định:
-
Ít co giãn (loại truyền thống 100% cotton): Vải Denim nguyên bản có thể hơi cứng và hạn chế cử động. Khắc phục: Hiện nay có rất nhiều loại Denim pha Spandex giúp co giãn tốt hơn, thoải mái hơn rất nhiều.
-
Khá dày và nặng: Đặc biệt là các loại Denim dùng may quần Jeans, chúng thường dày và nặng hơn so với các loại vải mùa hè như linen hay kate.
-
Lâu khô: Do dày và thấm hút tốt, đồ Denim thường cần thời gian phơi lâu khô hơn sau khi giặt.
Đồ Denim thường cần thời gian phơi lâu khô
Ứng dụng của vải Denim
Như đã nói ở trên, vải Denim có vô vàn ứng dụng trong thế giới thời trang. Đừng chỉ đóng khung Denim với quần Jeans, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều item thú vị:
-
Áo khoác Denim: Item layer kinh điển, "must-have" trong tủ đồ của mọi tín đồ thời trang đường phố/
-
Áo sơ mi Denim: Mang đến vẻ ngoài năng động, dễ phối đồ, có thể mặc đi làm, đi chơi đều hợp.
-
Chân váy Denim: Trẻ trung, cá tính với đủ kiểu dáng từ chữ A, bút chì đến midi, maxi.
-
Quần yếm/Đầm Denim: Tạo điểm nhấn phong cách casual độc đáo, đáng yêu.
-
Phụ kiện (Túi, mũ, giày...): Những món phụ kiện bằng Denim giúp hoàn thiện outfit của bạn thêm phần "chất".
Quần Jeans Nam Copper Denim Straight
599.000đ
539.000đ
Mẹo bảo quản đồ Denim / Jeans luôn bền đẹp như mới
Để giữ cho những món đồ Denim / Jeans yêu thích của bạn luôn bền đẹp, hãy tham khảo vài mẹo bảo quản đơn giản sau từ Coolmate nhé:
-
Hạn chế giặt thường xuyên: Giặt quá nhiều sẽ làm phai màu và giảm tuổi thọ vải. Chỉ giặt khi thực sự cần thiết.
-
Luôn lộn mặt trái trước khi giặt: Giúp bảo vệ màu sắc và bề mặt vải tốt hơn.
-
Ưu tiên giặt tay hoặc chọn chế độ giặt nhẹ (gentle cycle): Giảm tác động mạnh lên sợi vải.
-
Dùng nước giặt thay cho bột giặt: Nước giặt hòa tan tốt hơn, tránh cặn bột giặt bám lại gây bạc màu.
-
Phơi tự nhiên ở nơi thoáng mát, tránh nắng gắt: Ánh nắng mặt trời trực tiếp có thể làm phai màu vải nhanh chóng.
-
Không sử dụng máy sấy nhiệt độ cao: Nhiệt độ cao có thể làm co rút và hỏng sợi vải.
Cần phải bảo quản đồ Denim/Jeans đúng cách
Các câu hỏi thường gặp về Denim và Jeans
Sau đây là tổng hợp một vài câu hỏi thường gặp về Denim và Jeans mà Coolmate sẽ giải đáp cho bạn:
Mua quần Jeans cần chú ý gì khác ngoài kiểu dáng?
Khi mua quần jeans, ngoài kiểu dáng hợp sở thích, bạn nên chú ý thêm:
-
Chất liệu vải Denim: Độ dày, độ mềm, và đặc biệt là độ co giãn (nếu bạn thích mặc thoải mái).
-
Đường may: Kiểm tra xem đường may có chắc chắn, đều đẹp không.
-
Chi tiết hoàn thiện: Khuy cài, khóa kéo, đinh tán có chắc chắn và hoạt động trơn tru không.
-
Sự vừa vặn và thoải mái: Quan trọng nhất là hãy thử trực tiếp để cảm nhận xem chiếc quần có thực sự vừa vặn và thoải mái khi bạn di chuyển hay không.
Vải Denim có co giãn không?
Còn tùy thuộc vào thành phần vải. Vải Denim truyền thống 100% cotton thì ít co giãn. Tuy nhiên, ngày nay phần lớn Denim dùng may quần Jeans và nhiều trang phục khác đều được pha thêm sợi Spandex (Lycra/Elastane) với tỷ lệ khác nhau để tăng độ co giãn, mang lại sự thoải mái hơn khi mặc. Bạn nên kiểm tra nhãn thành phần (tag) của sản phẩm để biết chính xác nhé.
Vải Denim dùng để may quần Jeans ngày nay được pha thêm sợi Spandex để co giãn hơn
Làm sao để quần Jeans mới không bị phai màu khi giặt?
Để hạn chế quần Jeans mới bị phai màu trong những lần giặt đầu, bạn có thể áp dụng một vài mẹo sau:
-
Trước khi giặt lần đầu, ngâm quần trong nước lạnh pha chút muối hoặc giấm trắng khoảng vài tiếng hoặc qua đêm.
-
Luôn lộn mặt trái của quần ra ngoài trước khi giặt.
-
Giặt riêng quần Jeans với các loại quần áo sáng màu khác để tránh lem màu.
Kết luận
Vậy là qua những chia sẻ vừa rồi, Coolmate hy vọng bạn đã có thể tự tin phân biệt rõ ràng giữa Denim – tên gọi của chất liệu vải dệt chéo đặc trưng, và Jeans – tên gọi của kiểu quần (thường là quần dài) phổ biến được làm từ loại vải này. Hiểu rõ sự khác biệt này không chỉ giúp bạn tránh nhầm lẫn mà còn tự tin hơn khi nói về thời trang, lựa chọn trang phục và bảo quản chúng đúng cách.
Và đừng quên khám phá thêm nhiều bài viết thú vị, những mẹo hay về thế giới thời trang tại Coolblog nhé!