Chùa chiền vốn là một phần không nhỏ trong văn hóa tín ngưỡng của rất nhiều người dân Việt Nam. Không chỉ là nơi để thể hiện văn hóa tâm linh, mà những ngôi chùa nổi tiếng còn gắn với những câu chuyện lịch sử của nước ta. Sống, học tập và làm việc lâu nay ở Hà Nội, anh em có biết và đi hết những ngôi chùa nổi tiếng của thủ đô chưa? Coolmate sẽ đưa bạn khám phá về 16 ngôi chùa này trong bài viết dưới đây!
Top 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội
1. Chùa Trấn Quốc
Địa chỉ: số 46 đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nhắc đến chùa Trấn Quốc, không chỉ người Hà Nội mà người Việt Nam hẳn ai cũng đều từng nghe tới. Có lẽ sự nổi tiếng của ngôi chùa này được gắn liền với những năm tháng lịch sử tính từ thời Tiền Lý. Cho đến nay, chùa Trấn Quốc đã có bề dày 1500 năm với 4 tên gọi được các nhà vua đặt trong thời gian trị vì.
Theo những gì đã được ghi chép, ngôi chùa này được xây từ thời Tiền Lý vào thế kỷ 6 với tên gọi Khai Quốc, được tọa lạc trên bãi đất làng Yên Hòa (Yên Phụ ngày nay). Đến năm 1440, vua Lê Thái Tông đã đổi tên ngôi chùa thành An Quốc nhằm hướng đến mong muốn một đất nước trường tồn và an bình.
Chùa Trấn Quốc
Đến năm 1615, vào thời vua Lê Kính Tông, ngôi chùa được di dời đến đê Yên Phụ và dựng trên nền của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hà Nguyên nhà Trần. Đến năm 1639, chúa Trịnh đã cho tu sửa lại phần cổng tam quan, đồng thời làm hành lang 2 bên tả hữu. Và cái tên Trấn Quốc có từ thời trị vì của vua Lê Hy Tông.
Cho đến thời nhà Nguyễn, ngôi chùa được tu sửa, tôn tạo với quy mô hoành tráng hơn, được đúc chuông và đắp thêm tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng ban 20 lạng bạc để trùng tu và mở rộng thêm quy mô. Năm 1842, vua Thiệu Trị ban cho chùa 1 đồng vàng lớn với 200 quan tiền, từ đó đổi tên chùa thành Trấn Bắc.
Trải qua nhiều sự biến chuyển, nhưng ngôi chùa vẫn được người dân gọi với cái tên Trấn Quốc, đồng thời tu bổ thêm, tôn tạo và bổ sung nhiều hạng mục giúp ngôi chùa mang nét trang nghiêm với hàng nghìn năm tuổi.Tháng 4/1962, chùa Trấn Quốc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cuối năm 2003, khuôn viên chùa được bổ sung tháp lục độ đài sen thể hiện tri giác, trí tuệ vô thượng như loài hoa sen sống dưới bùn lầy mà không hề bị ô uế.
Hiện ngôi chùa cổ kính bậc nhất của Việt Nam đang lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như bộ tượng thờ ở thượng điện, pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tấm bia do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn với nội dung ghi lại lịch sử đại tu chùa. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có cây bồ đề 60 năm tuổi do Tổng thống Ấn Độ tặng vào năm 1959.
Để ghé thăm công trình lịch sử, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô, xe bus.. với thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15-20 phút. Chùa Trấn Quốc mở cửa tất cả các ngày và thường đông đúc hơn vào dịp lễ đầu năm hay ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Do đó, bạn nên cân nhắc để sắp xếp ghé thăm, vãn cảnh và thể hiện tín ngưỡng của mình tại ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Hà Nội này nhé!
2. Chùa Hương
Địa chỉ: huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Chùa Hương hay còn gọi là chùa Hương Sơn - một quần thể danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng bao gồm đền, chùa, hang động xen lẫn trong núi rừng ngập tràn cỏ cây hoa lá.
Theo những gì được ghi chép lại, vua Lê Thánh Tông vào niên hiệu Quang thuận thứ 8 (năm 1467) đã đi tuần thú qua vùng núi Hương Sơn lần thứ 2. Khi đi qua vùng núi này thì người đã cho đóng quân và nấu cơm ở thung lũng này. Cũng tại đây, vua xem thiên văn và thấy khu vực này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù, nên lấy tên ấy đặt. Sau đó, sư tổ Viên Quang Chân Nhân có quốc phong là Thượng Lâm Viện - Tăng lục Tăng lục Ty Hòa Thượng Viên Giác Tôn Giả đã cùng cư dân nơi đây đến dựng thảo am để thờ Phật và khai sáng Thiên Trù Tự. Sau đó đến Tổ Sư Nguyệt Đường kế nhiệm và bị gián đoạn trụ trì trong khoảng trăm năm.
Chùa Hương
Cho đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686) vào thời vua Lê Trung Hưng, hòa thượng Trần Đạo Viên Quang sau khi treo ấn từ quan mới tiếp tục công việc trụ trì tại ngôi chùa này. Khoảng vào năm Canh Dần thế kỷ 18, chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm trong 1 chuyến tuần du đã khắc chữ "Nam Thiên Đệ Nhất Động" lên cửa động Hương Tích hàm ý nói rằng đây là động đẹp nhất trời Nam.
Và cũng kể từ đây, sự phát triển của chùa Hương được liên tục, trở thành di tích lớn với lễ hội mùa xuân hàng năm và chính thức trở thành hội lớn kể từ năm 1896 niên hiệu Thành thái thứ 8.
Qua những sơ lược kể trên có thể thấy rằng chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng và lâu đời mà bất cứ ai cũng nên ghé thăm để thưởng ngoạn và hành hương bái Phật. Để ngắm trọn vẹn được vẻ đẹp của ngôi chùa này, bạn cũng nên lựa thời điểm không phải chính hội đầu năm nhé!
3. Chùa Bộc
Địa chỉ: Số 14 Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội
Chùa Bộc là ngôi chùa thờ Phật, vua Quang Trung và các vị anh hùng được lập nên từ thời Hậu Lê. Ngôi chùa này được biết đến nhiều bởi kiến trúc độc đáo và sự yên bình trong tâm hồn.
Theo những gì được ghi chép lại thì năm 1676 là thời điểm chùa được phục dựng lại sau khi bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 1789 chùa lại bị đốt cháy trong trận diệt quân Thanh. Sau 3 năm kể từ ngày đó, nhà sư trụ trì Lê Đình Lượng đã kêu gọi quyên góp để trùng tu và đổi tên thành Thiên Phúc. Thế nhưng chùa lại được được gọi nhiều hơn với tên chùa Bộc.
Chùa Bộc
Sau nhiều lần tu sửa, ngày 13/1/1964, chùa Bộc đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khi ghé đến thượng ngoạn khung cảnh nơi đây, bạn sẽ được tận mắt thấy lối kiến trúc hình chữ "Đinh" với tiền đường, hậu cung, cổng Tam Quan cao 8m, các khu vực thờ cúng đều là nơi lưu giữ những dấu tích của cuộc chiến chống lại quân Thanh. Ngoài ra, bạn còn có thể thấy lò đúc tiền, hoành phi, câu đối, hịch, sa bàn, vũ khí... được lưu giữ tại chùa. Nếu muốn chứng kiến màn rước kiệu hay múa rồng... tại chùa, bạn hãy ghé thăm chùa Bộc vào dịp tổ chức lễ hội Gò Đống Đa.
4. Chùa Phổ Quang
Địa chỉ: tổ 3, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội
Chùa Phổ Quang là nơi được nhiều người biết và ghé đến để thể hiện lòng thành với tín ngưỡng Phật giáo đồng thời để thưởng ngoạn lối kiến trúc truyền thống cách đây 800 năm của người Việt.
Ngôi chùa này vốn được xây dựng từ thời Hương Vân Đại Đầu Đà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với trụ trì Đệ Tam Tổ Huyền Quang. Không chỉ lập nên chùa Phổ Quang, ngài còn kiến tạo nên chùa Cát Linh. Đến chùa Phổ Quang, bạn có thể thưởng ngoạn khu vực ngoài trời, những lối kiến trúc chạm khắc tinh tế và cả những pho tượng Phật vô cùng quý giá.
Chùa Phổ Quang
Giống như những ngôi chùa khác ở khu vực Đông Bắc Bộ, chùa Phổ Quang vốn có đủ khu vực thờ Thành Hoàng Làng và khu thờ Phật. Nhưng vì biến động của lịch sử, ngôi chùa này đã trải qua khá nhiều lần trùng tu trong khoảng thế kỷ 12. Nên hiện tại, ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Hà Nội được chia thành: Tam quan, chính điện có 5 gian Tiền Đường, 3 gian Thường điện, 5 gian nhà Mẫu và cuối cùng là 5 gian nhà khác. Toàn bộ khuôn viên chùa nằm trên diện tích đất khoảng 5.000m2.
Về kiến trúc bên trong, khung chùa được xây dựng theo kiểu dáng chồng rường, giá chiêng cùng những chi tiết khắc họa hình ảnh khá quen thuộc trong lối kiến trúc của người Việt xưa. Những chi tiết đầu rồng, mặt hổ phù, vân mây, vân hình học... tưởng chừng đơn giản nhưng lại là những đường nét được chạm khắc một cách tinh xảo và đậm chất truyền thống.
Ngoài ra thì những tượng Phật tròn độc đáo tại ngôi chùa này cũng là điểm thu hút lượng lớn khách thăm quan ghé đến. Nổi tiếng phải kể đến:
+ Tượng A Nan, Ca Diếp: những bức tượng cao 1m nhưng sở hữu gương mặt trái xoan với sống mũi thẳng, miệng nhỏ, cổ hơi mập và tay dài. Tay của tượng A Nan khiến người ta liên tưởng đến tư thế liên hoa, tay của tượng Ca Diếp lại giống như bắt ấn mật phùng.
+ Tượng Tam Thế: là tượng đại diện cho 3000 vị Phật trải qua 3 thời kỳ của quá khứ, tương lai và hiện tại. Bức tượng này mang đậm nét phong cách của nghệ thuật thế kỷ 19.
+ Tượng A Di Đà: cao 1m20 với đài sen 3 lớp cánh nhọn sắc nét làm nên điểm nhấn đặc biệt cho tượng A Di Đà. Phần nhục kế của Đức Phật mang vô kiến đỉnh tướng nhằm biểu thị cho trí tuệ vô lượng.
+ Tượng Đức Ông, tượng Đức thánh hiền, tượng Mẫu, tượng tổ, tượng Trứng Ác, tượng Khuyến Thiện... đều là những bức tượng độc đáo thu hút ánh nhìn của đa số người ghé thăm.
5. Chùa Láng
Địa chỉ: số 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội
Đây là ngôi chùa vốn được gọi là "Đệ nhất tùng lâm" của thành Thăng Long xưa kia. Nếu bạn nhớ đến kinh kỳ ngàn năm văn hiến, và chùa Láng cũng gắn liền với những năm tháng lịch sử của Hà Nội từ xa xưa.
Chùa Láng có tên gọi chính thức là Chiêu Thiền Tự với ý nghĩa sâu sắc của từng chữ trong tên gọi đó. Chữ Chiêu thể hiện nơi đất phúc, cõi thiêng có nhiều điều tốt, chữ Thiền với hàm ý nhắc về nơi sinh ra của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Vốn dĩ, ngôi chùa này được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ của cha mẹ thiền sư Đạo Hạnh, trước đây là xã Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận.
Chùa Láng
Ngôi chùa này được xây vào thời Lý bởi vua Lý Anh Tông. Vào thời kỳ đó, tín ngưỡng Phật giáo đang phát triển rất mạnh mẽ trên khắp đất nước. Và nhà vua Lý Anh Tông đã cho xây dựng chùa Láng để thờ Phật, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua cha Lý Thần Tông.
Cho đến nay, ngôi chùa cũng đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu cùng sự cân xứng, hài hòa và bề thế. Năm 1962, chùa Láng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Có một điểm khác của ngôi chùa này mà bạn cần lưu ý khi ghé thăm, là chùa sẽ chỉ mở cửa từ 8h30 đến 18h hàng ngày. Nếu bạn muốn được ngắm trọn vẹn những không gian kiến trúc xưa cũ cùng 198 bức tượng trong chùa, nhớ sắp xếp thời gian phù hợp nhé!
6. Chùa Pháp Vân
Địa chỉ: Số 1299 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Nằm trong top những ngôi chùa lâu đời nhất Hà Nội, chùa Pháp Vân được coi là nơi linh thiêng với không gian cổ kính cũng nét kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc của Việt Nam.
Tuổi đời của ngôi chùa này hiện không có thông tin chính xác. Nhưng dựa trên bia cổ còn lưu lại thì việc trùng tu chùa đã diễn ra ở thời vua Thành Thái, nghĩa là ngôi chùa có tên khác là Long Hưng này đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Đến năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội thì ngôi chùa đã được cải tạo để mang dáng vẻ khang trang và bề thế hơn.
Chùa Pháp Vân
Chùa Long Hưng là nơi thờ 1 trong 4 Pháp theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt, trong đó có thần Mây (Pháp Vân), thần Mưa (Pháp Vũ), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện). Và có lẽ dựa trên việc thờ cúng này mà ngôi chùa còn được gọi là chùa Pháp Vân.
Tổng thể ngôi chùa được xây trên khu đất hơn 7000m2 với Tam Quan, Chính Điện và Nhà Tổ, hai Tăng Xá. Mọi không gian nơi đây đều khá rộng. Khi bạn bước qua 13 bậc thang để nối sân với điện chính thì bạn sẽ nhìn thấy tượng Phật thếp vàng cùng tượng tỳ hưu bằng đá ở 2 bên.
7. Chùa Phúc Khánh
Là ngôi chùa có khuôn viên khá nhỏ nằm giữa phố thị ồn ào, nhưng chùa Phúc Khánh luôn giữ được sự thanh tịnh cũng như sự nổi tiếng với bất cứ ai có tâm tưởng hướng Phật. Ngoài tên gọi như ta vốn biết, thì người dân còn gọi ngôi chùa này với tên chùa Sở, chùa Thịnh Quang.
Giống như chùa Pháp Vân, chùa Phúc Khánh cũng không được tìm thấy thông tin chi tiết thời gian xây dựng đầu tiên. Thế nhưng, theo tương truyền thì ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội này được xây dựng vào cuối thời Trần, khi triều đình nhà Trần mở cuộc vi ngoại thành Thăng Long. Lúc này, người dân tại làng Sở đã xây dựng một ngôi chùa nhỏ để thờ Phật và tri ân công lao của các vị vua nhà Trần.
Chùa Phúc Khánh
Đến thời Hậu Lê thì ngôi chùa lại trở thành nơi đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Tuy nhiên sau đó ngôi chùa bị hư hại mà nguyên nhân có thể do hỏa hoạn hoặc ảnh hưởng của trận đánh Đống Đa năm 1978. Cho đến đầu thế kỷ 20, chùa Phúc Khánh mới được tôn tạo và có hình dạng như ngày nay.
Vẫn là một ngôi chùa mang nét kiến trúc truyền thống thời phong kiến, nhưng chùa Phúc Khánh lại chứa đựng nhiều di vật quý giá với nhiều chất liệu. Tiêu biểu phải kể đến tượng A di đà, tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Quan Thế Âm... với tiêu chuẩn điêu khắc tinh tế. Ngoài ra, còn có 21 tấm bia đá cổ, 3 đại hồng chung có niên đại lâu đời cùng cửa võng, hoành phi, câu đối, cuốn thư, đỉnh trầm...
Những khóa lễ đầu năm tại chùa Phúc Khánh thường thu hút rất nhiều tăng ni phật tử, những người hướng Phật quy tụ dâng hương và cúng bái. Nên bạn lưu ý thời gian để ghé thăm và thưởng ngoạn không gian nhé!
8. Chùa Quán Sứ
Địa chỉ: số 73, phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chùa Quán Sứ được xây dựng vào khoảng thế kỉ 14, 15 và trở thành văn phòng trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981. Tên gọi Quán Sứ nghĩa là nơi ở của sứ giả nhằm tiếp đón những sứ thần sùng bái đạo Phật, giúp họ có thể hành lễ trong thời gian lưu trú tại đây.
Trong 100 năm qua, chùa Quán Sứ luôn được chọn là nơi để tổ chức sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thế giới, trong đó có hội nghị, hội thảo do viện nghiên cứu tôn giáo, viện hàn lâm... tổ chức.
Chùa Quán Sứ
Về tổng thể, ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội này là sự kết hợp tinh hoa kiến trúc của những ngôi chùa lớn khắp miền Bắc Việt Nam. Sau nhiều lần tôn tạo, thì hiện ngôi chùa gồm Tam quan, chính điện, nhà khách, thư viện, giảng đường và tăng phòng.
Không chỉ là nơi thờ cúng Phật A Di đà, quan thế âm Bồ Tát... nơi đây còn là nơi lưu trữ những tài liệu cũng như thư tịch Phật giáo. Đặc biệt, các chữ viết trên công trình trong chùa đều được viết bằng chữ Quốc ngữ chứ không phải chữ Hán như những ngôi chùa khác.
9. Chùa Linh Ứng
Địa chỉ: phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Linh Ứng còn có tên khác là Linh Ứng Tự được xây dựng từ thế kỷ 19 và tôn tạo vào khoảng đầu thế kỷ 20. Đến năm 1951 thì ngôi chùa được trùng tu và xây dựng thêm Tam bảo với mái chồng diêm.
Ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội này là nơi thờ đức thánh Trần (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) cùng thánh Mẫu và các vị Hoàng Bảy Mười. Đến tháng 6 năm 1993, chùa Linh Ứng được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Chùa Linh Ứng
Hiện nay, Tam quan chùa mở về hướng Nam với 3 cổng vòm vùng gác chuông 2 tầng 8 mái, bên phải là cổng phụ, lùi vào trong là nhà thờ Mẫu 5 gian. Tiền đường của chùa rộng 3 gian 2 dĩ được xây theo kiểu mái chồng diêm.
Nơi đây là nơi lưu giữ 2 pho tượng cổ mang niên đại từ thế kỷ 19, 20. Ngoài ra còn có bức cửa võng, tượng Phật Cửu Long, Di Đà Tam Tôn rất đẹp. Thêm vào đó là bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần QUốc Tuấn đội mũ bình thiên, khoác long bào, ngồi ngai sơn son thếp vàng với đầu rồng được chạm khắc tinh xảo mang nét nghệ thuật thế kỷ 19.
10. Chùa Hà
Địa chỉ: số 86, phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
Có lẽ với những ai đã từng sinh sống ở Hà Nội, cái tên của ngôi chùa này sẽ không còn xa lạ gì, nhất là với những nam thanh nữ tú đang tuổi "cập kê".
Để nói về lịch sử ra đời của ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội này, có đến 2 truyền thuyết. Có thông tin ghi chép rằng: vào thời vua Lý Nhân Tông ở tuổi 42 mà chưa có con trai kế nghiệp nên đã đến Thánh Chùa cầu tự. Trên đường trở về đã ghé qua chùa Hà thắp nhang và tiền bạc trùng tu xây sửa, nên từ đó chùa Hà có tên gọi là Thánh Đức tự. Có truyền thuyết lại cho rằng ngôi chùa này được xây dựng bởi vua Lê Thánh Tông để bày tỏ sự biết ơn với những đại thần Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Nguyễn Xí.
Chùa Hà
Trải qua nhiều năm tháng lịch sử, chùa Hà bị phá hủy nhiều lần trong chiến tranh, thì đến năm 1680, chùa được dựng lại bằng gạch vồ, lớp lá gồi nên có tên chùa Vồi. Đến thời vua Lê Hy Tông, 2 người làng Thổ Hà ở Bắc Giang đã công đức tiền để xây lại chùa bằng gạch ngói sau khi buôn bán thuận lợi.
Kể từ khi đó, dân làng Dịch Vọng và Thổ Hà kết nghĩa, đặt tên xóm là Bối Hà, nôm na hiểu là chùa Hà với nét kiến trúc văn hóa thời đại. Cổng Tam quan có 2 tầng với mái chồng diêm. Bên trong khuôn viên lần lượt là hồ bán nguyệt, sân chùa, bia đá với những khắc văn tự chữ Hán và chữ quốc ngữ.
Chùa Hà được biết đến là nơi linh thiêng không chỉ cầu tài lộc công danh mà còn để cầu duyên cho đôi lứa. Có lẽ là bởi những câu chuyện về tình yêu đôi lứa vẹn tròn sau khi ghé thăm hành lễ tại ngôi chùa này được lan truyền rộng rãi.
11. Chùa Một Cột
Chùa Một Cột
Một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, một biểu tượng văn hóa ngàn năm của kinh thành Thăng Long. Chùa Một Cột có nhiều tên gọi khác nhau: Nhất Trụ Tháp, chùa Mật, Diên Hựu Tự, Liên Hoa Đài.
Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng sau giấc chiêm bao về Phật bà Quan Âm của nhà vua. Trong giấc mơ đó, Phật bà đang tọa trên đài sen và mời nhà vua lên cùng. Nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên xây chùa trụ đá như giấc mơ để Phật bà ngự trên đó.
Đến năm 1962, chùa Một Cột được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đến 2012, chùa được tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á.
Vốn nằm trong quần thể quảng trường Ba Đình và Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, nên bạn có thể thăm chùa Một Cột khi vào khu quần thể này.
12. Chùa Tứ Kỳ
Địa chỉ: đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Chùa Tứ Kỳ
Xa xưa, thôn Tứ Kỳ thuộc vị rtí án ngữ đường thủy vào kinh thành và mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện gắn với lịch sử dân tộc. Chùa Tứ Kỳ nằm trên vùng đất này được xây dựng vào thời Lê và được tôn tạo vào thời nhà Nguyễn.
Ngôi chùa này là nơi để thờ Phật phái Đại thừa, thờ Mẫu, thờ tổ với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Kiến trúc của chùa Tứ Kỳ bao gồm cổng Tam quan, nhà tiền đường, tòa thượng điện, nhà tổ, tòa tháp Phật và điện thờ Mẫu.
Có ít nhất 300 năm trường tồn, nên khi ghé thăm ngôi chùa này, bạn cũng có thể được chiêm ngưỡng lối kiến trúc khá cổ xưa cùng chuông cổ từ năm Thiệu Trị 1 với dòng chữ "Linh Tiên tự Chung" khắc trên chuông.
13. Chùa Đậu
Địa chỉ: thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội
Là ngôi chùa có trên 2000 năm tuổi tọa lạc tại huyện Thường Tín cách trung tâm thành phố 25km. Theo sử sách, ngôi chùa này được xây vào thế kỷ 3 trước công nguyên và là nơi dành cho vua chúa, quan lại vãn cảnh và lễ bái. Thời vua Lê Thần Tông, chùa được phong là Đệ nhất danh lam bởi khi vua quan lễ bái đều rất linh ứng.
Chùa Đậu
Quy mô của ngôi chùa này khá lớn và thiết kế theo nội công ngoại quốc. Khuôn viên chùa có những công trình thờ Phật với bố cục như chữ công, xung quanh quây kín tạo hình chữ quốc. Bên trong ngôi chùa còn lưu giữ đồ thờ cổ và di vật như khánh, chuông, rồng đá... cùng 6 bia đá được khắc từ thế kỷ 16-18.
Có một điểm đặc biệt tại chùa Đậu, chính là 2 pho tượng - nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường - 2 vị trụ trì chùa khoảng thế kỷ 17. Trải qua gần 400 năm nhưng thân thể của 2 ngài vẫn không bị hủy hoại.
14. Chùa Khai Nguyên
Địa chỉ: thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Là ngôi chùa có tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á (tính đến năm 2021). Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý vào nửa đầu thế kỷ 11.
Trải qua những năm tháng lịch sử, ngôi chùa này cũng được nhiều lần tôn tạo nên kiến trúc mang nét kim cổ giao hòa, các gian thờ được bố trí kiểu tiền Phật hậu Tổ, cuối cùng là tăng đường tả vu, hữu vu, gác chuông, tháp Báo Ân...
Chùa Khai Nguyên
Điểm thu hút của chùa Khai Nguyên có lẽ không chỉ vì sự lâu đời, vì tín ngưỡng mà còn vì bức tượng cao 72m, đường kính bệ tới 1200m2. Bên trong tượng vó 13 tầng với những ban thờ Bồ tát, lục đạo luân hồi. Ngoài ra còn có đến 1975 tượng nằm trong hệ thống tượng Phật cùng những di vật có giá trị như bia có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19, Gia Long thứ 14, chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22...
15. Chùa Linh Quang
Địa chỉ: làng Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chùa Linh Quang
Dựa theo tấm sắc phong cho thần cây gạo đại vương niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1 và tấm bia sớm nhất của chùa niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 thì có thể khẳng định chùa Linh Quang được xây dựng vào thời nhà Lê.
Về kiến trúc, chùa có kết cấu hình chữ Đinh bao gồm thượng điện và tiền đường. Chùa chính được xây trên nền đất cao và chắc chắn với phần ngói ta có bức thư đại tự ở giữa bờ nóc với 3 chữ "Linh Quang Tự".
Đến thời điểm hiện tại, ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội còn lưu giữ nhiều tượng phật quý như bộ tượng Tam Thế, chuông đúc năm Giáp Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 triều Nguyễn, 5 bia cổ thời Lê, lộc bình, cây nến, bát hương...
16. Chùa Thiên Phúc
Địa chỉ: số 94 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Top 16 những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội này cũng là một trong 2 dấu vết còn sót lại của ngôi làng Việt cổ phía nam kinh thành Thăng Long. Năm 1988, chùa Thiên Phúc đã được công nhận là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Theo những thông tin trên tấm bia "Thiên Phúc tự bi" cho thấy ngôi chùa này được xây dựng vào cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn và mang đậm nét nghệ thuật cuối thời Nguyễn.
Chùa Thiên Phúc
Có lẽ điểm đáng chú ý khi ghé thăm chùa chính là điện thờ Phật được trang hoàng bằng những bức cửa võng chạm thủng hình lưỡng long chầu nhật. Nơi đây còn là điện thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, công chúa Liễu Hạnh và mẫu Nhạc - theo tín ngưỡng dân gian thì đây là người trực tiếp cai quản 36 cửa rừng.
Khi ghé thăm chùa, bạn cũng sẽ có cơ hội để chiêm ngưỡng những cổ vật có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh trực tiếp qua những pho tượng được điêu khắc thủ công từ thế kỷ 18, 19.
2. Lưu ý về trang phục cho anh em khi ghé thăm chùa
Khi ghé thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, anh em hãy chú ý những điều sau:
+ Chọn màu sắc nhã nhặn thay vì trang phục quá sặc sỡ. Bạn có thể chọn gam màu trung tính như trắng, xám, đen, nâu…
+ Không mặc quá ngắn và phản cảm bởi chùa là chốn linh thiêng nên độ dài của trang phục cũng cần lưu ý
+ Không nên mặc đồ quá cầu kỳ, nhiều họa tiết mà hãy chọn trang phục đơn giản từ họa tiết đến màu sắc và thiết kế.
+ Chọn trang phục vừa vặn, gọn gàng để tăng độ lịch sự cho các anh em lại thể hiện nét tinh tế trong cách ăn mặc.
Tham khảo ngay các mẫu quần áo bán chạy nhất Coolmate
Đi chùa không phải chỉ để cầu lộc, cầu tài hay sức khỏe. Đôi khi đi chùa cũng là dịp để bạn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, những kiến trúc của người Việt từ thời xa xưa. Anh em muốn tìm hiểu thêm về những thông tin văn hóa trải dài trên khắp dải đất hình chữ S, đừng quên theo dõi Coolblog để tìm hiểu thêm nhé!