Món ăn ngày Tết miền Trung mang nét văn hoá riêng của người dân nằm giữa dải đất hình chữ S. Những điều kiện khó khăn của thời tiết và địa lí, cùng với bản tính cần cù, thông minh và chịu khó của người dân nơi đây đã tạo nên một nền ẩm thực phong phú, mang đậm chất miền Trung. Vậy hãy cùng Coolmate du lịch qua vùng đất “ruột thịt” này để xem ngày Tết miền Trung có món ngon nào nhé.
1. Bánh Tét
Bánh Tét có thành phần gần giống với bánh Chưng của món ăn ngày tết miền Bắc. Tuy nhiên, loại bánh này lại có dạng trụ, được gọi là đòn bánh, và chúng được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn bánh, người ta thường dùng dây lạt cắt bánh thành những khoanh tròn. Bánh cũng có thể được rán lên và ăn kèm với dưa món cho đỡ ngấy.
Cũng như bánh Chưng ở miền Bắc, bánh Tét là loại bánh không thể thiếu ở miền Trung. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng của Tết miền Trung, đại diện cho mong muốn no đủ và sung túc của mọi người.
2. Dưa món
Đi kèm với bánh Tét, không thể thiếu món ăn truyền thống, dưa món. Món ăn ngày tết này được làm từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, su hào, … Các nguyên liệu này được xắt miếng và phơi nắng 1 ngày. Sau đó rửa sạch và ngâm nước đã chuẩn bị sẵn (gồm nước lọc, nước mắm và đường) để lên men trong khoảng 2 ngày.
Dưa món là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Bởi bữa ăn ngày Tết thường nhiều dầu mỡ, rất dễ bị ngán. Dưa món là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày Tết vui vẻ sum họp cùng gia đình.
3. Tôm chua
Cùng với dưa món, tôm chua cũng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết. Tôm chua là đặc sản của người dân xứ Huế, và bạn có thể thưởng thức món ăn này bất cứ lúc nào. Tuy nhiên,trong dịp Tết, tôm chua lại là món ăn mang lại cảm giác khác lạ, so với những món ăn nhiều dầu mỡ. Vị ngọt bùi của tôm, vị béo ngậy của thịt, vị cay thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả và các loại rau thơm, tất cả hoà quyện với nhau tạo thành một hương vị hấp dẫn khiến bất kì ai đã ăn một lần sẽ phải nhớ mãi.
4. Thịt ngâm mắm
Miền Trung là nơi mỗi năm đều phải hứng chịu rất nhiều giông bão và thiên tai. Do đó, hầu hết các món ăn Tết của người miền Trung đều được chế biến sao cho có thể “dự trữ” được nhiều ngày. Thịt ngâm mắm là một ví dụ rất điển hình cho lối sống của con người nơi đây.
Cách làm món ăn này rất đơn giản, giống như cái tên của nó vậy. Ta có thể chọn thịt lợn hoặc thịt bò tuỳ thích. Sau đó, chế biến và luộc chín thịt. Cuối cùng, ngâm miếng thịt vào nước mắm đường được chế biến theo tỉ lệ nhất định. Thịt càng ngâm lâu càng đậm màu nâu vàng đẹp mắt. Khi ăn, chúng được thái lát và thường ăn kèm với dưa món.
5. Tré
Tré là một đặc sản từ vùng đất Bình Định. Và đây cũng là một trong những món ăn quan trọng trong ngày Tết miền Trung. Sự mộc mạc chân chất của món ăn này đã thể hiện ngay ở phần nguyên liệu.
Đó là những nguyên liêu thân thuộc của địa phương như tai heo, đầu heo, thịt ba chỉ với các gia vị mè, riềng, ớt, tỏi và đặc biệt không thể thiếu nem thính. Những nguyên liệu này được sơ chế, rồi gói trong lá chuối, lá ổi non, và khoác ngoài là lớp “áo” rơm lúa mới. Sau 2 đến 3 ngày, tré lên men, dậy vị thơm nhẹ và nồng của riềng tỏi, cùng với hương ngai ngái của rơm lúa, khiến ai cũng phải ngây ngất. Ngày Tết miền Trung mà không có hương vị đồng quê mộc mạc này thì còn gọi gì là Tết.
6. Xôi đỗ xanh
Nếu miền Bắc có xôi gấc, miền Nam có xôi vò, thì miền Trung lại đặc biệt có xôi đỗ xanh trong ngày Tết. Món ăn ngon ngày Tết này không thể thiếu trêm mâm cơm cúng gia tiên, đặc biệt là trong đêm giao thừa. Đối với người dân miền Trung, xôi đỗ xanh đại diện cho “tình thân quyện chặt, bền mãi không rời”. Điều này cũng giống như tinh thần đoàn kết và tương thân tương ái của những con người nơi đây vậy.
7. Giò bò
Màu đỏ luôn là màu may mắn và tài lộc trong dịp Tết Nguyên Đán. Do đó, Tết miền Trung không thể thiếu món giò bò đỏ hồng hấp dẫn, dai giòn tự nhiên. Mang hương vị thơm thơm của bò, điểm xuyết thêm vị cay nồng của tiêu đen, món giò bò ăn kèm với rau thơm và tỏi Lý Sơn đã trở thành món ăn ngon truyền thống ngày Tết của người dân miền Trung. Đồng thời đây cũng là món ăn ngon ngày Tết làm nao nức bao tâm hồn thực khách khi ghé thăm vùng đất này.
8. Gà luộc lá chanh
Không chỉ miền Trung mà khắp mọi miền Tổ quốc đều coi gà luộc lá chanh là món ăn ngày Tết không thể thiếu. “Gà luộc cả con”, “gà khoả thân”, “gà ngậm hoa hồng” là những tên khá mĩ miều cho món ăn dân dã này. Và nếu bạn chưa biết tại sao lại là gà mà không phải là con vật khác, thì hãy để tôi giải thích bằng một câu chuyện vui dưới đây nhé.
Bạn đã biết tại sao gà luộc lại là món ăn ngày Tết Việt Nam chưa?
9. Nem chua
Đã có chả thì phải có nem. Đó là nguyên tắc trên bàn nhậu của các ông trong ngày Tết miền Trung. Vị chua cay của nem là thứ mà một khi đã nếm thử thì sẽ nhớ mãi. Thậm chí là nghiền đến độ chẳng phải là Tết, cũng đặt vài ba chục cặp về ăn chơi. Nem miền Trung chỉ nhỏ bằng ngón tay cái được gói khéo léo trong lá ổi hoặc lá chùm ruột, tạo nên một hương vị chua nhẹ tự nhiên và thanh tao.
10. Măng khô hầm
Nhắc đến món ngon ngày Tết miền Trung mà không nhắc đến măng khô hầm thì quả là một thiếu sót lớn. Nếu là măng tươi, thì đó chỉ là món canh ăn thường ngày. Nhưng nếu là măng khô thì đó chính là món ăn chỉ xuất hiện vào dịp đặc biệt như ngày Tết. Thịt hầm đi kèm măng khô có thể là thịt gà hoặc thịt heo tuỳ theo khẩu vị từng gia đình. Thịt sẽ được hầm đến mức cực mềm, cảm giác như tan luôn trong miệng. Kèm với đó là miếng măng khô hầm dai giòn sần sật, đúng thật là ngon không thể cưỡng nổi.
11. Bò khô mật mía
Bò kho mật mía có vị thơm, cay của gừng, quế, ớt và vị ngon, ngọt tự nhiên của bắp bò, hoà quyện với hương vị đậm đà, thơm dịu của mật mía. Một món ăn ngon ngày Tết mặn mặn, ngọt ngọt và thơm thơm rất dễ ăn và rất ngon miệng. Bò kho mật mía thường xuất hiện trên mâm cơm tiếp khách của người miền Trung. Đồng thời, đây cũng là một trong những món ăn ngày Tết miền Trung làm nức lòng những người con xa xứ, không thể về nhà vào dịp Tết.
12. Củ cải kho thịt heo
Củ cải kho thịt heo là món ngon ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ miền Trung. Cách chế biến món này vô cùng đơn giản, chỉ cần kho thịt mông thái miếng, tẩm ướp gia vị cùng với củ cải cho đến khi chín mềm là được. Vị ngọt thanh tao của củ cải kết hợp với vị bùi béo của thịt ba chỉ làm nên một món ăn đậm đà “bắt” cơm, chống “đói” ngày Tết như cái cách mà người miền Trung hay nói cho nhau nghe.
13. Mứt gừng
Nếu miền Bắc có mứt sen, miền Nam có mứt dừa, thì người miền Trung có mứt gừng. Thế mới nói, người ta bảo người miền Trung thích vị cay nồng chẳng sai tí nào. Trong cái thời tiết se lạnh của ngày Tết, được ngậm một miếng mứt gừng cay cay, nhâm nhi tách trà nóng, thật chẳng còn gì tuyệt vời hơn.
14. Bánh thuẫn
Cứ đến cận kề ngày Tết, tại miền Trung, người người nhà nhà lại làm bánh thuẫn. Thậm chí, món đồ ăn ngày Tết này còn trở thành biểu tượng của Tết. Cứ mỗi khi nghe thấy hương thơm ấy len lỏi khắp đường làng ngõ xóm, thì bất cứ ai cũng cảm nhận rằng một mùa Tết nữa đang về.
Bánh thuẫn có nơi còn gọi là bánh thửng. Là một loại bánh ăn “chơi” trong ngày Tết, bánh thuẫn được gói ghém cẩn thận và trịnh trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày cận kề năm mới. Bánh thuẫn có vị gần giống bánh gato, nhưng ít có bánh gato nào sở hữu vị mềm xốp thơm mùi trứng gà như bánh thuẫn. Chính vì thế mà cứ khi đến Tết, con người ta lại thèm khát được thưởng thức cái món ngon ngày Tết bình dị đến lạ thường ấy.
15. Bánh tổ
Bánh tổ là một trong những món ngon ngày Tết đến từ vùng đất xứ Quảng. Bánh được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như gạo, đường, thêm một vài gia vị gừng, mè trắng, … để tăng thêm sự hấp dẫn.
Bánh tổ có vị ngọt đậm, hơi cứng nên có thể bảo quản được trong thời gian dài. Khi có khách đến chơi nhà, bánh thường được bày ra để mọi người thưởng thức. Bánh sẽ được cắt nhỏ thành từng miếng vừa miệng, nếu muốn ăn nóng dẻo có thể quay qua lò vi sóng. Bánh tổ sẽ càng thêm dậy hương vị nếu được ăn cùng bánh tráng giòn.
16. Bánh lăn
Thêm một loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết, đó là bánh lăn. Thành phần chính của bánh là nếp thơm dẻo, thêm các nguyên liệu như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng, … Tất cả được cắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa đến khi hỗn hợp đặc lại. Phần nếp đã được rang kĩ, xay hoặc giã thành bột mịn, rồi trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Hoà phần bột nếp với mứt nén thành khối trụ tròn dài.
Bánh lăn đặc biệt với người miền Trung bởi có đầy đủ hương vị của quất, bùi của lạc, thơm nồng của gừng và dẻo của bột nếp. Bánh sẽ càng tuyệt vời hơn khi nhâm nhi cùng tách trà nóng trong những ngày Tết se lạnh.
17. Bánh nổ
Bánh nổ là món ăn “chơi” trong ngày Tết của người dân miền Trung. Bánh được làm từ thóc nếp rang trên than hồng, tạo nên tiếng nổ vui tai. Có lẽ đây chính là lí do ra đời cái tên bánh nổ.
Những hạt gạo nếp được nở bung, trắng ngần đẹp mắt, ép vào khung gỗ hình chữ nhật. Ta thắng được thành keo, thêm ít gừng rồi bôi xung quanh bánh. Chính vì thế, bánh có vị thơm của nếp, của gừng, vị ngọt thanh của đường và khi ăn thì lại giòn tan trong miệng.
18. Bánh in
Cứ đến gần Tết, lũ trẻ con lại kháo nhau những chiếc bánh in đầy màu sắc. Bánh được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, được chế biến và ép thành khuôn mặt đáy của bánh. Khuôn bánh in cực đa dạng với nhiều hình dáng khác nhau như 3 chữ Phúc, Lộc, Thọ, hình phượng rồng, hình trăng, …
Ngày nay, bánh được làm với nhiều nguyên liệu khác đa dạng hơn, tạo nên nhiều màu sắc tự nhiên và bắt mắt. Có lẽ chính vì thế mà bánh in có sự hấp dẫn rất lớn với lũ trẻ con. Nhưng cũng không vì thế mà cho rằng bánh in không dành cho người lớn. Họ thường dùng bánh in kèm với tách trà nóng để thưởng thức trọn vị thanh ngọt và thơm thơm của thứ đồ ăn ngon ngày Tết này.
19. Bánh ít lá gai
Không chỉ là đặc sản của vùng đất Bình Định mà bánh ít lá gai giờ đã trở thành món ăn ngày Tết không thể thiếu của người miền Trung. Trong những ngày cận kề Tết 2021 này, chỉ cần ghé vào phiên chợ quê, bạn đã có thể bắt gặp bánh ít lá gai được bày bán khắp nơi, rẻ đến mức bạn có thể mua trăm cái để làm quà cũng chẳng tốn là bao.
Bánh ít lá gai có nguyên liệu chính là lá gai. Sau khi để héo vài ngày, lá gai được đem rửa sạch, luộc chín rồi mang đi giã nguyễn. Bánh thơm vị lá gai, dẻo mịn của nếp mới, hoà quyện cùng vị ngọt của đường và đỗ xanh, thêm chút vị thơm dai sần sật của dừa, cứ phải gọi là “ngon nhức nách”.
20. Chè kê, chè đậu xanh
Chè đậu xanh thì có lẽ không còn quá xa lạ với mọi người. Nhưng khi đến miền Trung ngày Tết, ta sẽ bắt gặp món chè kê đặc trưng của vùng đất này. Món chè này có màu sắc khá giống chè đậu xanh, nên khiến nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, chè này được nấu từ hạt kê, thêm một chút đậu xanh, đường và gừng. Chè không mịn như đậu xanh, nhưng điểm cộng là không quá ngọt. Đặc biệt khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị sần sật đặc biệt của hạt kê.
Bạn đã cảm thấy náo nức với những món ăn ngày Tết miền Trung đặc biệt này chưa? Dịp Tết năm nay bạn cũng nên đi thăm miền Trung để thưởng thức những món ngon hấp dẫn này chứ nhỉ.