Tái chế áo phông không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn là cách để thể hiện cá tính và sự sáng tạo trong phong cách thời trang. Với 20+ ý tưởng dưới đây, chiếc áo thun cũ của bạn sẽ được hô biến thành trang phục độc đáo và sành điệu. Cùng Coolmate khám phá ngay nhé!
1. Tại Sao Chúng Ta Nên Tái Chế Áo Thun Cũ?
Tái chế áo thun không chỉ là cách để biến hoá từ cũ thành mới mà còn là sự thay đổi tích cực trong nhận thức và thói quen hằng ngày.
1.1. Bảo vệ môi trường, giảm rác thải thời trang
Xu hướng thời trang bền vững ngày càng được quan tâm hơn trong ngành thời trang. Lượng rác thải khó phân huỷ như áo quần là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường khi không được xử lý kịp thời. Ngoài ra, nhiều loại vải còn chứa các hóa chất nhuộm và xử lý công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Áo quần cũ không được tái chế khiến môi trường bị ô nhiễm
1.2. Tiết kiệm chi phí mua sắm
Tái chế áo phông giúp bạn giảm chi tiêu đáng kể cho thời trang nhưng vẫn đảm bảo gu ăn mặc riêng biệt. Thay vì liên tục mua đồ mới, bạn có thể khoác lên diện mạo mới cho những chiếc áo thun cũ để tạo ra trang phục độc đáo và hợp xu hướng. Chỉ cần một chút sáng tạo, tủ đồ của bạn sẽ luôn được làm mới mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí.
Tái chế đồ cũ giúp tiết kiệm chi phí mua sắm áo quần mới
1.3. Thỏa sức sáng tạo, thể hiện cá tính riêng
Biến tấu quần áo cũ theo những cách rất riêng là cách để bạn thể hiện sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân trong thời trang.Từ việc thay đổi kiểu dáng, thêm họa tiết, đến cắt ghép nhiều áo với nhau – mỗi ý tưởng đều có thể tạo nên một thiết kế mới lạ, độc đáo. Dù là thay đổi nhỏ, chiếc áo cũ cũng có thể trở thành món đồ phản ánh phong cách và cá tính riêng của bạn.
Hô biến đồ cũ thành trang phục thể hiện cá tính
1.4. Niềm vui từ việc tự tay làm đồ hữu ích
Tự tay thiết kế áo cho bản thân mang lại cảm giác hài lòng và thú vị. Không chỉ là niềm vui từ sáng tạo mà đây còn là cách để kết nối với thời trang theo cách gần gũi và ý nghĩa hơn. Bạn sẽ trân trọng những món đồ mình làm ra và yêu thích công việc tái chế áo quần cũ hơn mỗi ngày.
Biến tấu áo thun cũ là cách để tận hưởng niềm vui
2. Chuẩn Bị Đầy Đủ Đồ Nghề Trước Khi Bắt Đầu
Để tiết kiệm thời gian và không làm gián đoạn quá trình thiết kế, việc chuẩn bị đầy đủ dụng cụ là rất quan trọng. Dưới đây là những món đồ bạn nên có:
2.1. Dụng cụ cơ bản:
- Áo thun cũ cần tái chế: Ưu tiên chọn những chiếc áo chất vải còn tốt, độ co giãn phù hợp, size vừa vặn hoặc oversize tùy vào sở thích và ý tưởng. Không nên chọn áo đã bị bai dão hoặc rách quá nhiều chỗ.
- Kéo sắc: Tốt nhất nên dùng kéo cắt vải chuyên dụng để cắt mượt mà và chính xác. Kéo cùn khiến việc tạo kiểu trở nên khó khăn và dễ làm hỏng áo.
- Thước dây, thước kẻ: Hỗ trợ đo đạc chính xác khi cần đánh dấu để cắt. Đảm bảo các chi tiết được căn chỉnh cân đối.
- Phấn may hoặc bút bay màu: Dễ dàng đánh dấu vị trí cắt mà không để lại dấu vết trên vải. Bút bay màu sẽ tự bay hơi sau vài giờ, rất tiện khi thao tác.
- Kim, chỉ: Chọn màu trùng với vải để giữ sự tinh tế hoặc tương phản nếu muốn tạo điểm nhấn. Đây là dụng cụ không thể thiếu cho những chi tiết cần may tay đơn giản.
- Máy may: Nếu có máy may, đường may của bạn sẽ chuyên nghiệp và gọn gàng hơn. Bạn có thể tham khảo các loại máy may mini.
- Keo dán vải: Với những ý tưởng không cần may vá, bạn nên chuẩn bị loại keo chuyên dụng để dán vải để tạo độ chắc chắn. Lựa chọn này phù hợp với người mới bắt đầu, chưa quen dùng kim chỉ.
Những dụng cụ cơ bản cần phải có để tái chế áo thun
2.2. Vật liệu trang trí thêm:
- Ren, ruy băng: Tạo điểm nhấn nữ tính và có chút vintage. Bạn có thể may hoặc dán bằng keo vải tùy thiết kế.
- Hạt cườm, kim sa, đá ủi: Giúp tạo hiệu ứng lấp lánh và nổi bật. Những chi tiết nhỏ này sẽ tạo điểm nhấn độc đáo cho tổng thể trang phục.
- Vải khác màu để phối: Bạn có thể tận dụng vải thừa hoặc áo cũ khác để ghép màu. Cắt ghép tạo mảng và kết hợp màu tạo sự độc đáo cho thiết kế.
- Màu vẽ vải, thuốc nhuộm vải: Dùng để vẽ thêm họa tiết, viết slogan hay tạo hiệu ứng loang màu. Đây là cách tạo nên những thiết kế mang phong cách nghệ thuật
- Giấy decal ủi nhiệt: Dễ dàng in hình hoặc chữ theo sở thích cá nhân mà chỉ cần bàn ủi. Đây cũng là cách để cá nhân hoá trang phục nhanh chóng và hiệu quả.
Ren trang trí cho trang phục thêm ấn tượng
3. Biến tấu áo thun cũ thành trang phục sành điệu
3.1. Áo ba lỗ (tank top)
Tái chế áo thun thành áo ba lỗ là cách làm đơn giản và phổ biến nhất. Bạn còn có thể tiếp tục tạo kiểu bằng cách biến tấu vạt áo với kiểu buộc dây cá tính và thời thượng.
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ
- Kéo sắc
- Kim, chỉ (hoặc máy may mini)
- Phấn may hoặc bút đánh dấu
Cách thực hiện:
Các bước biến áo thun cũ thành áo tanktop
- Bước 1: Chuẩn bị áo thun cũ, ủi phẳng để dễ thao tác.
- Bước 2: Lật mặt trái áo, đặt một chiếc áo ba lỗ làm mẫu lên trên để căn chỉnh kích thước.
- Bước 3: Dùng phấn may hoặc bút bay màu đánh dấu theo viền áo mẫu, chừa khoảng 1,5cm mỗi bên để tạo viền.
- Bước 4: Cắt bỏ phần tay và cổ áo theo đường đã đánh dấu.
- Bước 5: Ở phần vạt trước của áo, dùng kéo cắt chéo từ dưới lên để tạo hai vạt buộc.
- Bước 6: Lộn mặt phải áo, khâu hoặc dán lại các đường viền nếu cần để tránh sổ chỉ.
- Bước 7: Buộc hai vạt trước thành nút thắt hoặc nơ tùy theo phong cách bạn muốn.
Vậy là bạn đã hoàn thành một chiếc áo ba lỗ buộc dây cá tính, dễ phối cùng quần jeans, jogger hoặc chân váy – hoàn hảo cho những ngày hè năng động!
3.2. Áo bra top/bralette
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ
- Kéo
- Kim chỉ hoặc keo dán vải
- Dây chun hoặc dây đeo (nếu cần)
Cách thực hiện:
Áo bralette dễ thực hiện
- Bước 1: Chọn áo thun co giãn, ôm dáng.
- Bước 2: Mặc thử và đánh dấu vị trí cần cắt (thường dưới chân ngực).
- Bước 3: Cắt ngang thân áo theo dấu đã đánh.
- Bước 4: Gấp mép dưới, luồn dây chun rồi may/dán lại (nếu muốn áo ôm). Cắt và gắn dây đeo nếu muốn kiểu bralette có dây.
- Bước 5: May/dán các mép vải cho gọn.
- Bước 6: Lộn mặt phải, là phẳng và hoàn thành.
3.3. Áo hai dây/Áo yếm
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ
- Kéo
- Kim, chỉ hoặc keo dán vải
- Dây vải hoặc dây áo cũ (nếu cần)
Cách thực hiện:
Áo hai dây trẻ trung và khoẻ khoắn
- Bước 1: Cắt phần cổ và tay áo để tạo dáng áo ba lỗ.
- Bước 2: Cắt thêm phần vai để biến thành hai dây mảnh.
- Bước 3: Gấp và may/dán các mép vải.
- Bước 4: Lộn mặt phải, là phẳng và thử áo.
3.4. Áo croptop
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ ôm body hoặc freesize
- Kéo sắc
- Kim, chỉ (hoặc máy may mini)
- Phấn may hoặc bút đánh dấu
Cách thực hiện:
Cắt áo thun cũ thành croptop đơn giản
- Bước 1: Là phẳng áo.
- Bước 2: Cắt vạt trước và sau áo đến độ dài mong muốn.
- Bước 3: Khâu lại đường cắt.
- Bước 4: Ướm thử áo.
Mix cùng quần ống rộng và sneaker để diện đồ tự tin dạo phố.
3.5. Áo thun kết hợp
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ (1 hoặc nhiều cái)
- Kéo sắc
- Kim, chỉ hoặc máy may mini
- Keo dán vải (nếu không muốn may)
Mức độ: Dễ – phù hợp cho người mới bắt đầu hoặc có ít kinh nghiệm may vá.
Cách thực hiện: Có rất nhiều cách để sáng tạo một chiếc áo thun kết hợp, đơn giản nhất là ghép hai nửa của 2 chiếc áo lại với nhau.
Có rất nhiều cách để kết hợp các áo thun cũ lại với nhau
- Bước 1: Chọn áo thun cũ với chất liệu phù hợp và thân áo có độ rộng tương đương.
- Bước 2: Với áo đầu tiên, cắt một đường dưới phần nách, độ dài tùy thích. Với chiếc áo thứ 2 cũng tương tự, tuy nhiên bạn sẽ chỉ lấy thân dưới của chiếc áo này để ghép với phần trên.
- Bước 3: Khâu hoặc dán vải vào vị trí nối, đảm bảo mọi chi tiết đều chắc chắn và gọn gàng.
- Bước 4: Lộn mặt phải áo và là phẳng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Áo thun kết hợp đơn giản, dễ làm và rất phong cách khi bạn kết hợp các mảng vải hoặc hoạ tiết thú vị.
3.6. Áo ống có túi
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ ôm body
- Kéo sắc
- Kim, chỉ (hoặc máy may mini)
- Vải khác màu để làm túi (tùy chọn)
- Phấn may hoặc bút đánh dấu
Mức độ: Trung bình – yêu cầu bạn có một chút kinh nghiệm về may vá và tạo hình.
Cách thực hiện:
Áo ống vừa dễ thực hiện vừa cá tính
- Bước 1: Chọn áo thun cũ có chất liệu vải vừa phải để làm áo ống thoải mái.
- Bước 2: Cắt bỏ phần tay áo và cổ áo để tạo hình áo ống. Bạn có thể cắt theo đường may sẵn hoặc tạo một đường cắt mới cho phù hợp.
- Bước 3: Tạo túi: Cắt một miếng vải nhỏ, gấp mép và may lên phía trước áo, tạo hình túi nhỏ hoặc túi lớn, tùy theo sở thích.
- Bước 4: Khâu lại phần viền áo để tạo độ ôm và chắc chắn.
- Bước 5: Lộn mặt phải áo, ủi phẳng để làm nổi bật các chi tiết túi và đường may.
Áo ống có túi là kiểu trang phục độc đáo và tiện dụng, mang đến vẻ ngoài thanh thoát nhưng không kém phần phong cách.
3.7. Áo peplum
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ
- Kéo sắc
- Kim, chỉ hoặc máy may mini
- Vải phối để làm phần peplum
- Thước dây, thước kẻ
Mức độ: Trung bình – cần kỹ thuật may cơ bản và độ tỉ mỉ trong việc tạo dáng.
Cách thực hiện:
Áo peplum được tái chế từ áo thun cũ vẫn rất nữ tính
- Bước 1: Chọn áo thun cũ có dáng suông hoặc ôm vừa phải để dễ dàng tạo kiểu peplum.
- Bước 2: Cắt bỏ phần dưới áo để tạo dáng ôm nhẹ phần trên và rộng dần xuống dưới (tạo hiệu ứng peplum). Lưu ý chiều dài peplum tùy thuộc vào sở thích.
- Bước 3: Cắt vải phối để làm phần peplum. Cắt vải theo hình tròn hoặc hình bán nguyệt để tạo độ xòe cho phần dưới.
- Bước 4: Khâu phần peplum vào áo: Khâu nối phần vải peplum vào thân áo sao cho đều và chắc chắn. Đảm bảo may đều hai bên để tạo sự đối xứng.
- Bước 5: Lộn mặt phải áo, ủi phẳng để hoàn thiện trang phục và làm nổi bật phần peplum.
Áo peplum là một lựa chọn tuyệt vời để tạo sự nữ tính, thanh thoát, và đặc biệt dễ dàng phối với nhiều loại trang phục khác.
3.8. Áo lệch vai/trễ vai
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ ôm body
- Kéo sắc
- Kim, chỉ (hoặc máy may mini)
- Vải khác màu để làm túi (tùy chọn)
- Phấn may hoặc bút đánh dấu
Mức độ: Trung bình – yêu cầu bạn có một chút kinh nghiệm về may vá và tạo hình.
Cách thực hiện:
Áo lệch vai quyến rũ tái chế từ áo thun cũ
- Bước 1: Chọn áo thun ôm body có chất liệu co giãn vừa phải.
- Bước 2: Dùng phấn vẽ đường lệch vai và cắt bỏ phần cổ + tay áo.
- Bước 3: Cắt vải khác màu và may túi lên thân áo (nếu muốn).
- Bước 4: May viền lại các mép vải đã cắt để áo gọn và chắc chắn.
- Bước 5: Lộn mặt phải, ủi phẳng và hoàn thiện áo lệch vai cá tính.
3.9. Áo cut-out
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ
- Kéo sắc
- Phấn may hoặc bút bay màu
- Kim, chỉ hoặc máy may mini (nếu cần may viền)
Mức độ: Trung bình – yêu cầu cắt chính xác và căn chỉnh đối xứng.
Cách thực hiện:
Cut out biến chiếc áo thun cũ thành thiết kế táo bạo và mới lạ
- Bước 1: Chọn áo thun cũ có chất liệu co giãn nhẹ, form rộng hoặc ôm đều phù hợp.
- Bước 2: Dùng bút bay màu vẽ hình quả trám (hoặc hình khác tuỳ ý) ở vị trí vai, lưng hoặc eo.
- Bước 3: Dùng kéo sắc cắt theo đường đã vẽ, chú ý giữ độ cân đối hai bên.
- Bước 4: Khâu hoặc may viền nhẹ để tránh vải bị xổ. Nếu thích phong cách bụi bặm, bạn có thể để viền sống tự nhiên.
- Bước 5: Là phẳng và phối đồ để hoàn thiện phong cách cá tính.
3.10. Áo cổ viền xếp ly
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ (cổ tròn hoặc cổ tim)
- Vải mỏng nhẹ để làm viền (như voan, lụa)
- Kim, chỉ hoặc máy may
- Kéo, thước dây, ghim vải
Mức độ dễ/khó: Hơi khó – yêu cầu may cơ bản và biết xếp ly đều tay.
Cách thực hiện:
Áo viền xếp ly cầu kỳ và không kém phần nữ tính
- Bước 1: Cắt một dải vải dài, gấp nếp thành từng ly nhỏ đều nhau (khoảng 1–2cm).
- Bước 2: Ghim cố định phần ly và ướm quanh viền cổ áo.
- Bước 3: Khâu hoặc may chặt phần viền ly vào cổ áo, canh chỉnh sao cho mềm mại và đều.
- Bước 4: Cắt bỏ vải thừa, hoàn thiện các đường may, ủi phẳng để tạo nếp gọn gàng.
Kiểu áo này mang lại vẻ nữ tính, cổ điển và cực kỳ tinh tế.
3.11. Áo đơn giản trang trí thêm mới mẻ
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun trơn hoặc ít hoạ tiết
- Đinh tán, hạt cườm, ren, lông vũ, chỉ thêu
- Bút vẽ vải, màu acrylic, bleach pen
- Keo vải hoặc kim chỉ
Mức độ dễ/khó: Dễ – phù hợp với người mới bắt đầu, không cần cắt may.
Cách thực hiện:
Lột xác những chiếc áo thun cũ thành thiết kế đầy tính nghệ thuật
- Đinh tán/hạt cườm: Gắn đinh tán ở vai, cổ hoặc tay áo để tạo điểm nhấn cá tính.
- Phối ren: May hoặc dán ren vào viền tay, cổ hoặc dọc sống lưng để tăng phần nữ tính.
- Vẽ hoạ tiết: Dùng màu acrylic hoặc bút vẽ vải để thêm hình vẽ sáng tạo. Có thể dùng bleach pen để tẩy tạo hoạ tiết độc đáo trên áo tối màu.
- Tạo tua rua (fringe): Cắt phần thân dưới áo thành sợi dài, kéo giãn nhẹ để tạo hiệu ứng boho.
- Thêu họa tiết: Chọn họa tiết đơn giản như hoa, ký hiệu nhỏ để thêu tay tạo điểm nhấn thủ công.
3.12. Chân váy thun đơn giản
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun cũ (size lớn hoặc dáng dài)
- Kéo sắc
- Kim, chỉ hoặc máy may
- Thun bản to để làm cạp váy
Mức độ dễ/khó: Dễ – có thể thực hiện trong 15–30 phút.
Cách thực hiện:
Chân váy thun may bằng áo thun thoải mái và ôm dáng
- Bước 1: Cắt phần thân dưới của áo thun, bỏ đi phần cổ và tay áo.
- Bước 2: May một đường gập ở phần miệng váy, tạo lỗ để luồn thun.
- Bước 3: Luồn dây thun vào, may cố định để tạo cạp co giãn vừa người.
- Bước 4: Hoàn thiện viền dưới váy nếu muốn chỉnh độ dài hoặc tạo độ bo nhẹ.
Chân váy thun dễ phối đồ, thích hợp cho cả đi chơi hoặc mặc ở nhà.
3.13. Đầm/Váy suông từ áo thun dáng dài
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Áo thun dáng dài hoặc oversized
- Kéo, thước dây
- Kim, chỉ hoặc máy may
- Dây rút hoặc thắt lưng (tuỳ chọn)
Mức độ dễ/khó: Rất dễ – gần như không cần cắt may nếu áo đã vừa dài.
Cách thực hiện:
Chỉ cần thêm thắt lưng là chiếc áo thun đã khoác lên mình diện mạo mới
- Bước 1: Chọn áo thun dài qua gối hoặc ít nhất ngang đùi, chất vải mềm, co giãn tốt.
- Bước 2: Tùy chọn cắt bớt tay áo, cổ áo để tạo dáng váy thoải mái hơn.
- Bước 3: Thêm chi tiết dây rút ở eo hoặc phối với thắt lưng để tạo dáng nữ tính.
- Bước 4: Trang trí thêm bằng ren, hoạ tiết vẽ tay hoặc đính phụ kiện nếu muốn tạo điểm nhấn.
Váy suông từ áo thun là kiểu tái chế đơn giản, tiện dụng, dễ mặc hằng ngày hoặc đi biển.
4. Tái Chế Áo Thun Cũ Thành Phụ Kiện Xinh Xắn
Đừng dùng áo thun cũ để lau dọn hay làm giẻ rách nếu bạn còn có thể hô biến chúng thành những phụ kiện xinh xắn như dưới đây:
4.1. Túi tote/Túi dây rút tiện lợi
Công dụng: Dùng để đựng đồ đi chợ, đi học, đựng đồ cá nhân, hoặc thay thế túi nilon khi đi mua sắm.
Mức độ: Trung bình (Cần may vá cơ bản hoặc dùng keo vải)
Cách thực hiện:
Biến áo thun thành túi tote tiện lợi và độc lạ
- Bước 1: Cắt phần thân áo, bỏ tay áo và cổ.
- Bước 2: Lộn mặt trái áo, may kín đáy áo.
- Bước 3: Cắt 2 đường tay cầm từ phần vai áo cũ.
- Bước 4: (Nếu làm túi dây rút): Gập phần mép trên và luồn dây vải vào tạo thành dây rút.
4.2. Băng đô cài tóc / Headband thể thao
Công dụng: Giữ tóc gọn khi tập thể thao, trang điểm hoặc làm phụ kiện thời trang.
Mức độ: Dễ
Cách thực hiện:
Băng đô cài tóc giúp giữ gọn tóc hiệu quả
- Bước 1: Cắt một dải vải dài khoảng 40–50 cm, độ rộng tùy ý từ áo thun có độ co giãn tốt.
- Bước 2: Gập đôi theo chiều dọc, may hoặc dán mép ở mặt trong.
- Bước 3: Lộn mặt ngoài ra, dùng chun hoặc may nối hai đầu lại với nhau.
4.4. Dây buộc tóc Scrunchies
Công dụng: Buộc tóc chắc chắn mà không gây rối tóc, vừa là phụ kiện thời trang xinh xắn.
Mức độ: Trung bình
Cách thực hiện:
Crunchies dễ thương được làm từ áo phông cũ
- Bước 1: Cắt một mảnh vải hình chữ nhật (30 x 8 cm).
- Bước 2: Gập đôi theo chiều dài, may theo đường viền để tạo ống vải.
- Bước 3: Luồn một sợi thun vào bên trong ống vải.
- Bước 4: May hai đầu ống lại để hoàn thiện chiếc scrunchie.
4.5. Vòng tay vải cá tính
Công dụng: Làm phụ kiện thời trang, mix & match theo phong cách boho, vintage, hoặc cá tính.
Mức độ: Dễ
Cách thực hiện:
Vòng tay vải đơn giản và cá tính
- Bước 1: Cắt 3 sợi vải dài đều nhau (khoảng 25 cm).
- Bước 2: Thắt bím (tết 3) hoặc xoắn lại để tạo hoa văn.
- Bước 3: Gắn nút, hạt, hoặc móc khóa nhỏ ở hai đầu.
- Bước 4: Buộc quanh cổ tay hoặc làm thành vòng tay đôi, vòng chân.
5. Tận Dụng Áo Thun Cũ Làm Đồ Dùng Trong Nhà
Để làm mới không gian sống và thân thiện hơn với môi trường, bạn có thể tái chế áo phông cũ thành các đồ dùng như dưới đây.
5.1. Khăn lau đa năng
Ý tưởng: Làm khăn lau bếp, lau sàn, lau xe hoặc thay khăn giấy dùng một lần.
Dụng cụ: Kéo, (máy may/kim chỉ nếu muốn viền gọn)
Mức độ: Rất dễ
Cách thực hiện:
Tận dụng áo cũ làm khăn lau
- Bước 1: Cắt áo thành các miếng vuông hoặc chữ nhật vừa tay.
- Bước 2: Có thể may viền hoặc để tự nhiên nếu không sợ tưa.
5.2. Thảm chùi chân / Thảm lót ghế
Ý tưởng: Làm thảm handmade từ sợi áo bện lại, tạo cảm giác vintage và thân thiện.
Dụng cụ: Kéo, kim chỉ, keo vải (tùy chọn)
Mức độ: Trung bình
Cách thực hiện:
Thảm chùi chân sáng tạo giúp không gian trong nhà thú vị hơn
- Bước 1: Cắt áo thành dải dài (~3–4 cm rộng).
- Bước 2: Tết bện 3 sợi lại với nhau.
- Bước 3: Cuộn tròn các bím tóc vải thành hình tròn hoặc chữ nhật.
- Bước 4: Khâu hoặc dán các đoạn lại với nhau để tạo thành thảm.
5.3. Ruột gối / Ruột thú nhồi bông
Ý tưởng: Dùng áo thun cũ làm lớp lót mềm cho gối handmade hoặc thú nhồi bông tự làm.
Dụng cụ: Kéo, kim chỉ, túi vải bọc ngoài (nếu cần)
Mức độ: Dễ
Cách thực hiện:
Nhồi vải thừa làm ruột gối tận dụng được lượng lớn áo thun cũ
- Bước 1: Cắt áo cũ thành từng mảnh nhỏ (giống như làm bông nhồi).
- Bước 2: Cho vào ruột gối hoặc thân thú bông.
- Bước 3: Khâu kín lại phần miệng.
5.4. Đồ chơi đơn giản cho thú cưng
Ý tưởng: Làm bóng vải, dây kéo co, hoặc đồ gặm cho chó/mèo.
Dụng cụ: Kéo, kim chỉ/keo vải
Mức độ: Dễ
Cách thực hiện:
Quả bóng đồ chơi cho thú cưng
- Bước 1: Cắt áo thành dải dài để tết thành dây kéo co.
- Bước 2: Hoặc cắt thành 2–3 lớp tròn, nhồi thêm vải vụn vào giữa rồi khâu lại thành bóng vải.
- Bước 3: Có thể thêm chuông nhỏ bên trong để gây chú ý cho thú cưng.
5.5. Dây treo chậu cây (Plant hanger)
Ý tưởng: Tái chế vải thành macramé mini để treo cây cảnh trong nhà, tạo không gian xanh ấn tượng.
Dụng cụ: Kéo, thước, móc treo
Mức độ: Trung bình
Cách thực hiện:
Dây treo chậu cây sáng tạo
- Bước 1: Cắt áo thành các sợi dài, đều nhau (~6–8 sợi).
- Bước 2: Buộc chặt một đầu để làm chỗ treo (có thể dùng vòng nhựa hoặc móc treo).
- Bước 3: Tết nút (macramé cơ bản) để tạo thành dây treo chắc chắn.
- Bước 4: Cột các đầu còn lại lại với nhau để tạo đáy giữ chậu.
6. Mẹo Nhỏ Giúp Bạn Tái Chế Áo Thun Cũ Thành Công Hơn
Không cần phải là một thợ may chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể biến đồ cũ thành mới chỉ trong nháy mắt. Bằng cách tận dụng các mẹo nhỏ sau đây, bạn vừa tiết kiệm thời gian vừa tránh những lỗi nhỏ và giúp sản phẩm xinh xắn hơn.
6.1. Chọn áo thun phù hợp
- Chất liệu: Nên chọn áo làm từ cotton 100% hoặc cotton pha – dễ cắt, dễ tạo kiểu và thấm hút tốt (đặc biệt nếu làm khăn lau, scrunchies, thảm...).
- Độ co giãn: Áo co giãn nhẹ sẽ dễ thao tác hơn, đặc biệt khi làm dây buộc tóc hoặc vòng tay. Tuy nhiên, nếu làm headband thì nên chọn áo co giãn tốt để tạo cảm giác thoải mái hơn.
- Màu sắc: Chọn màu sắc phù hợp với mục đích tái chế. Màu sáng dùng cho đồ chơi hoặc khăn lau, màu trầm làm đồ decor hoặc túi.
Chọn áo có kích thước và màu sắc phù hợp
6.2. Cách cắt vải thun không bị cuộn mép
- Dùng kéo bén: Đảm bảo đường cắt mượt và ít bị xơ.
- Ủi nhẹ trước khi cắt: Giúp bề mặt vải phẳng, không bị co.
- Cắt theo chiều ngang sợi vải: Tránh cắt theo chiều dọc vì dễ bị cuộn.
- Gấp đôi vải khi cắt: Vừa tiết kiệm thời gian, vừa tạo đường cắt cân đối.
Chọn kéo cắt vải bén để vải không bị xơ
6.3. Sử dụng keo dán vải cho người không biết may
Nếu lo lắng rằng đường may không được đều đẹp thì bạn có thể sử dụng các loại keo vải chuyên dụng. Cách làm này không chỉ nhanh, tiện lợi mà còn đảm bảo sản phẩm chắc chắn và thẩm mỹ. Một vài lưu ý nhỏ khi dùng keo dán vải là:
- Dán ở mặt trái của vải để tránh lộ dấu vết dán.
- Sau khi dán, có thể để vật nặng đè lên khoảng vài phút để keo khô lại.
- Không giặt sản phẩm quá sớm, đợi ít nhất 1 ngày để keo khô hoàn toàn.
Sử dụng keo dán vải nếu bạn không khéo tay trong việc may vá
6.4. Tham khảo video hướng dẫn trực quan
Xem video hướng dẫn vừa dễ hiểu và dễ thực hiện theo từng bước. Bạn có thể tìm trên Youtube các kênh liên quan đến DIY để tham khảo cách làm. Nên lựa chọn video có hướng dẫn cụ thể, phụ đề tiếng Anh hoặc tiếng Việt, hình ảnh rõ ràng và tốc độ vừa phải để dễ theo dõi.
7. Kết Luận
Tái chế áo phông cũ là cách tuyệt vời để bảo vệ môi trường, đồng thời giúp bạn tiết kiệm chi phí và phát huy tính sáng tạo trong đời sống hằng ngày. Chỉ cần có một vài dụng cụ đơn giản như kéo, chỉ may, kim may,... những chiếc áo tưởng chừng như bị bỏ đi sẽ trở thành những món đồ hữu dụng. Thử ngay thôi nào!
Đừng quên theo dõi những bài viết ở Coolblog để cập nhật thêm nhiều mẹo tái chế hay ho hơn nhé!
Xem thêm: