Hiện nay có rất nhiều loại da trên thị trường, khiến bạn khó phân biệt đâu là loại da phù hợp. Hãy cùng Coolmate tìm hiểu về các loại da và chất lượng của từng loại nhé.
Tất tần tật các loại da trên thị trường - bạn đã biết?
Thông thường, phía dưới các sản phẩm đồ da luôn được ghi chú rõ loại da dùng để sản xuất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về những ghi chú này. Vậy ý nghĩa chính xác của nó là gì? Chất lượng của những loại da này như thế nào? Hãy cùng Coolmate tìm hiểu các loại da này nhé.
Các loại da thật
1. Da nappa (da full grain)
Là loại da thật bền chắc, được đánh giá là cao cấp và chất lượng nhất. Được lấy từ lớp ngoài cùng của da động vật và được xử lý một cách khéo léo và tỉ mỉ. Do đó, chúng vừa giữ được nét tự nhiên nhất của da vừa có độ bền chắc theo thời gian. Đồng thời với quá trình patina, loại da nappa càng sử dụng lâu thì càng đẹp.
Chính vì độ cao cấp đó mà da nappa thường được sử dụng cho nội thất của các hãng xe hơi nổi tiếng hoặc các thương hiệu thời trang lớn. Vì thế, giá của nó đắt hơn rất nhiều so với các loại da khác, bù lại da nappa có tuổi thọ rất dài, đặc biệt là khi được chăm sóc và vệ sinh cẩn thận.
=> Đừng bỏ lỡ: Da nappa và 6 câu hỏi thường gặp khi sử dụng
2. Da top grain
Thường được lấy từ lớp bên dưới hoặc đã qua chà nhám lớp bề mặt. Do đó, loại da này không có được độ bền chắc như da nappa. Đồng thời, quá trình chà nhám này làm mất đi khả năng lão hóa tự nhiên (patina) của da, nên da top grain không có tuổi thọ quá lâu như da nappa và sẽ cũ đi sau thời gian sử dụng.
Tuy nhiên, chúng vẫn được đánh giá là một loại da cao cấp cho các sản phẩm thời trang hoặc các loại phụ kiện da. Giá của chúng không quá mắc như da nappa, do đó đây sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời nếu bạn không ưu tiên quá nhiều về chất lượng.
3. Da genuine grain
Da genuine grain là da thật, nhưng chất lượng kém nhất trong số các loại da thật. Chúng không có độ bền như da full grain, cũng không đẹp như da top grain. Nếu chúng có khiến bạn thấy hấp dẫn, đó là bởi quá trình thuộc da đã xử lý quá nhiều để cho ra thành phẩm đẹp như thế.
Bạn có thể thấy chúng ở các cửa hàng siêu thị giá rẻ hoặc các sản phẩm đồ da thuộc phân khúc giá rẻ. Và điều hiển nhiên rằng loại da này có mức giá bình dân. Nếu bạn đang tìm mua một món đồ rẻ và không quan tâm nhiều đến chất lượng, bạn có thể lựa chọn sản phẩm này.
Tham khảo ngay những sản phẩm vải cotton tại đây:
4. Da Shell Cordovan
Shell Cordovan (da mông ngựa) là một trong các loại da đắt đỏ, quý hiếm nhất thế giới. Điểm cộng lớn nhất là loại da này có độ bền rất cao. Các lỗ chân lông trên bề mặt da dày đặc giúp tăng cường khả năng chống nước tối ưu.
Theo thời gian, các loại da khác sẽ xuất hiện tình trạng giãn ra. Nhưng da Shell Cordovan vẫn luôn giữ đúng chuẩn form, bền bỉ lâu dài. Ngoài ra, loại da này còn mang tính thẩm mỹ cao với bề mặt mịn màng, sáng bóng một cách rất tự nhiên.
Bởi vậy, da Shell Cordovan thường được sử dụng để sản xuất các thiết kế như ví da nam, dây đeo đồng hồ, bao da chìa khóa,... đặc biệt là các hãng giày cao cấp.
5. Da Nubuck
Da Nubuck là loại da thật phổ biến có bề mặt bông mịn do được mài rất kỳ công, tỉ mỉ. Do vậy, cấu trúc da vô cùng chặt chẽ tạo cảm giác êm ái, nhẹ nhàng khi chạm vào. Giống với các dòng da thật khác, Nubuck cũng có độ bền ổn định, hơn hẳn các loại da thông thường. Tuy nhiên, do bị mài mòn làm mất đi lớp bảo vệ nên khả năng thấm nước rất cao. Khi lớp da bị dính nước hãy lau lại ngay bằng khăn ẩm, nếu không vết bẩn sẽ rất khó làm sạch.
Dù vậy, da Nubuck vẫn luôn được người dùng và các nhà thiết kế, sản xuất yêu thích bởi tính ứng dụng cao và phong cách thời trang mới lạ.
Các loại da giả
1. Da Simili
Simili hay còn gọi là faux leather, pleather,... đều dùng để gọi chung cho các loại da giả trên thị trường hiện nay. Để sản xuất được da Simili, trước hết cần phải làm một tấm vải lót được dệt kim từ sợi polyester. Tiếp đến là nhuộm lên tấm vải một đến hai lớp nhựa PVC nhằm gắn kết nó với lớp nhựa. Rồi đến công đoạn định hình tạo vân cho sản phẩm. Sau khi được xử lý bề mặt và nhuộm màu cho trơn đẹp hơn thì chúng ta đã có một tấm da Simili rồi đấy.
Do sản xuất từ nhựa PVC nên có độ bóng và mùi đặc trưng của nhựa. Ngoài ra, da Simili còn hơi cứng và tốn thời gian trong việc lau chùi. Bởi vậy, những sản phẩm từ loại da này cũng khá rẻ và phổ biến trên thị trường.
2. Da PU
PU được viết tắt từ polyurethane. Đây là chất liệu da giả rất phổ biến, dễ dàng bắt gặp ở các mẫu túi xách, giày dép nữ trên thị trường ngày nay. Da PU gây ấn tượng bởi sự tương đồng với chất liệu da thật. Bên cạnh đó, chất liệu này còn đa dạng màu sắc đáp ứng được mọi nhu cầu may mặc.
Giá thành cũng rất phù hợp, phải chăng. Tuy nhiên, khả năng giữ ấm kém do chất vải mỏng, không dày dặn bằng da thật. Ngoài ra, vì bề mặt da không chứa lỗ thở nên khi sử dụng, người dùng sẽ cảm thấy không được thoải mái cho lắm.
Với mẫu mã và giá thành hợp lý như vậy, da PU là lựa chọn hàng đầu để thay thế các loại da thật.
3. Da Bonded Leather
Bonded Leather là loại da giả được cấu tạo từ 3 lớp bao gồm: Lớp dưới là bột giấy hoặc vải sợi, lớp giữa là bột da được làm từ da vụn shredded leather và lớp trên cùng chính là polyurethane.
Do thành phần của da Bonded Leather có chứa một phần ít da thuộc nên nếu đốt cháy thì vẫn có mùi khét đặc trưng. Cũng nhờ vậy mà góp phần giảm thiểu bớt rác thải trong quá trình sản xuất và sử dụng da thuộc. Từ đó giúp tác động tích cực đến môi trường tự nhiên. Tuy nhiên chất liệu da còn hạn chế, kém bền bỉ và khó tạo được sự cao cấp, sang trọng cho các thiết kế đồ da.
4. Da Faux
Da Faux hay còn được biết đến với tên gọi khác là da giả. Một trong những đặc điểm nổi bật của loại da này là được sử dụng để thay thế cho da thật trong ngành công nghiệp thời trang, ngành nội thất hoặc được dùng để sản xuất các phụ kiện xe hơi hay các ứng dụng khác trong đời sống. Về cấu tạo, da Faux chính là một sản phẩm được làm nên từ hóa học nhưng đảm bảo an toàn, hoàn toàn không gây hại đến động vật hay môi trường thiên nhiên.
Ưu điểm: giá thành rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố cơ bản về mặt thẩm mỹ, ít phai màu, khả năng chống tia cực tím khá tốt. Nhược điểm: khả năng bong tróc cao hơn, tuổi thọ ngắn hơn da thật, dễ bị ngấm nước hơn.
5. Da Bycast
Da Bycast hay còn có tên gọi khác là Bi-cast hay da PU, là một loại da giả phổ biến. Sau khi cắt bỏ lớp bì tự nhiên trên cùng, người ta sẽ sử dụng một loại keo nóng chảy để phủ lên trên bề mặt. Khi kéo giãn da Bycast thì chúng sẽ có một màu sáng nhẹ và dần dần mất đi khi không còn kéo giãn.
Loại da này được nhiều người ưa chuộng vì tuy không phải da thật nhưng chất lượng tốt, độ bền cao, đáp ứng được mọi yêu cầu về mặt thẩm mỹ.
6. Da Microfiber
Da Microfiber là da nhân tạo tổng hợp từ xơ vi mảnh, có bề ngoài khá giống với các loại da thật. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ lưỡng thì nó sẽ không bằng da thật về độ bền và vẻ đẹp.
Ưu điểm: mềm mịn, bền màu, chịu lực tốt, khả năng co giãn tốt, khó bị ngấm nước, dễ vệ sinh, an toàn với môi trường. Nhược điểm: độ bền và vẻ đẹp không bằng da thật.
Cách bảo quản các chất liệu da
Bất kể là chất liệu da thật hay da giả đều cần được bảo quản đúng cách để sử dụng được lâu dài.
1. Tránh tiếp xúc với hơi ẩm
Tránh để tiếp xúc với nước mưa hay bất cứ các chất lỏng khác vì sẽ khiến da trở nên cứng và dễ bị nứt. Trường hợp đồ da tiếp xúc hơi ẩm, hãy thoa các chất bảo quản lên trên đồ da sau khi da khô. Đối với những loại da thật, cao cấp, nên đưa ra các cửa hiệu để được bảo quản tốt hơn.
2. Đọc kỹ hướng dẫn vệ sinh đồ da ghi trên tem
Mỗi loại da sẽ tương ứng với một cách vệ sinh phù hợp khác nhau. Hãy đọc kỹ hướng dẫn để biết cách bảo quản phù hợp nhất.
3. Khử mùi bằng Baking Soda
Baking Soda có khả năng hấp thụ mùi tốt, giúp khử mùi hôi trên đồ da. Cho một ít Baking Soda vào túi nhỏ và để vào trong đồ da. Sau 24h mọi mùi khó chịu sẽ biến mất.
Phân loại da dựa trên phương thức xử lý bề mặt
- Da Aniline (da full aniline): da thật được phun, nhuộm aniline, trên bề mặt da không có lớp phủ màu. Giữ được sự mềm mại và bắt mắt, dễ thấm nước, có độ co giãn tốt.
- Da Pull-up Aniline: tương tự da Aniline nhưng được phủ thêm lớp sáp hoặc dầu, dùng trong môi trường khắc nghiệt. Lớp sáp sẽ mờ dần, lộ lớp da bên trong.
- Da Semi-Aniline: được phủ một lớp aniline mỏng hơn da Aniline, bảo vệ da mềm mịn hơn.
- Da Pigmented: được can thiệp nhiều hơn để giảm thiểu tối đa các vết trầy xước, lỗi, sẹo. Da được làm mịn và lên màu đẹp, đồng nhất.
- Da Nubuck (da StoneWashed hay da Chaps): thường là da top grain, nhưng được xử lý phức tạp hơn cho thành phẩm có bề mặt mịn như nhung.
- Da Saffiano: ban đầu được sáng chế bởi Prada, làm từ da bê chất lượng cao với quá trình thuộc da thực vật. Có họa tiết vân chéo dập lên lớp sáp trên bề mặt da.
Các loại da cần tránh
Các loại da cần tránh là các loại da kém chất lượng hay các loại da giả dễ bị nứt và bong tróc.
- Da Bonded: da phế liệu và nguyên liệu khác ghép lại bằng keo, thành phần trung bình 17% da thật.
- Da Patent: da được phủ lên bề mặt một lớp nhựa bóng.
- Da Corrected grain: da chất lượng thấp, được dập vân giả.
- Da Bicast: da đã bị tách mất lớp bề mặt, sau đó dán một lớp polyurethane và được dập vân giả.
- Da Suede (da lộn): loại da chất lượng kém, dễ bị hư hại.
- Da Metallic: da được phủ bề mặt một lớp Laminate, chất lượng tùy thuộc vào nhà sản xuất.
Lời kết
Trên đây là tất tần tật các loại da và cách phân biệt da thật và da giả. Hy vọng bài viết này giúp bạn lựa chọn đồ da chất lượng hơn và phù hợp hơn với bản thân. Đừng quên theo dõi CoolBlog để cập nhật những thông tin hữu ích và xu hướng thời trang mới nhất nhé!
Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy cho nam giới